Trong những tháng còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ quan và địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, thực hiện theo thẩm quyền, tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt và trong trung, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Mục tiêu của nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đạt và vượt các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, dự án đầu tư, người dân, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính, các cấp, các ngành, các địa phương.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; hai là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Tiếp đến là giải pháp hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành...
Bộ Công Thương tập trung rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành...
(Theo HNMO)