Người Mông ở Yên Bái thoát nghèo nhờ vào hợp tác xã

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/7/2023 | 3:29:07 PM

Những năm gần đây, các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có bước hồi sinh mạnh mẽ, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, làm tốt vai trò 'bà đỡ' cho nông dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, thoát nghèo bền vững.

Đồng bào dân tộc Mông ở Văn Chấn phấn khởi vì giá chè bán cho HTX Chè Suối Giàng cao hơn so với trước đây.
Đồng bào dân tộc Mông ở Văn Chấn phấn khởi vì giá chè bán cho HTX Chè Suối Giàng cao hơn so với trước đây.

Khá nhiều HTX vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch đã liên kết với nhau để cung cấp các sản phẩm có chất lượng cho khách hàng, tạo thu nhập, việc làm ổn định cho thành viên và người dân như: HTX Du lịch sinh thái Hồ Thác Bà, HTX Thực phẩm sạch du lịch Bảo Ngọc, huyện Yên Bình; HTX Chè Suối Giàng, HTX Nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu…

Phát triển đặc sản của người Mông ở Suối Giàng

Gia đình anh Giàng A Lý (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn) nhiều năm nay gắn bó với vườn chè cổ thụ mà cha ông để lại. Cũng giống như nhiều hộ dân tộc Mông khác, những gốc chè hàng trăm năm tuổi chính là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình anh Lý.

"Cây chè Suối Giàng lúc búp mọc lên thì có màu trắng tinh nên mới có tên gọi là chè tuyết. So với vùng khác thì chè Suối Giàng đảm bảo sạch, không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học. Vị chè rất thơm. Nếu mang cây chè tuyết ở đây đến các địa phương khác trồng cũng không được chất thơm ngon như vậy”, anh Giàng A Lý cho hay.

Sản phẩm chất lượng cao như vậy nhưng thu nhập trước đây của người trồng chè chưa cao do sản phẩm chưa có tên tuổi trên thị trường. Hơn nữa, sản lượng chè thấp do cây chè ở Suối Giàng mọc thưa.

Tuy nhiên, từ ngày vào HTX Chè Suối Giàng, thu nhập từ trồng và chế biến chè của gia đình anh Giàng A Lý cao gấp 3 lần so với trước kia. Trên tổng diện tích vườn khoảng 2ha, hơn 3.000 cây chè đem lại cho gia đình khoảng 2 tạ chè khô mỗi vụ. Với giá bán 1,5 triệu đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, tiền điện, tiền củi, tiền công hái…, gia đình anh Lý thu về 20 triệu đồng/vụ chính. Còn nếu bán chè búp tươi, HTX thu mua từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Ước tính mỗi năm, gia đình anh Giàng A Lý thu lợi nhuận từ trồng chè khoảng 100 triệu đồng.

Chị Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Chè Suối Giàng cho biết: Từ chỗ chỉ vài nghìn đồng một cân chè búp tươi, đến nay giá chè búp đã dao động từ 20.000 - 300.000 đồng/kg, nên đồng bào Mông ở Suối Giàng rất phấn khởi, tin tưởng nên càng có ý thức chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây chè cổ thụ quý giá.

Trước đây, từ cây trà Shan tuyết cổ thụ, người Mông chỉ sản xuất ra một dòng trà xanh truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, HTX Chè Suối Giàng đã chế biến thành 4 vị trà gồm: Diệp trà (trà xanh), hồng trà (trà hồng), hoàng trà (trà vàng) và bạch trà (trà trắng). Theo đó đã nâng tầm giá trị của trà, mỗi cân trà giờ đây có giá dao động từ 400.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng. Chẳng hạn, giá bán của bạch trà là 12 triệu đồng/kg, diệp trà 4,8 triệu đồng/kg, hồng trà 6,5 triệu đồng/kg, và hoàng trà là 4 triệu đồng/kg.

Các sản phẩm trà của HTX được phân phối trên khắp cả nước, đặc biệt là còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhờ đó, doanh thu từ các sản phẩm chè cũng tăng theo từng năm. "Năm 2021, HTX có doanh thu trên 3 tỷ đồng; năm 2002 trên 3,5 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến 4 tỷ có dư”, chị Thoa phấn khởi khoe.

Khai thác hiệu quả lợi thế địa phương

Có thể thấy, thời gian qua, mô hình phát triển HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái đã mang lại kết quả đáng kích lệ. Các HTX đã tận dụng lợi thế của địa phương để sản xuất, kinh doanh, mang lại giá trị kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Mô hình nuôi cá tầm và phát triển du lịch tại HTX Nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu (huyện Văn Yên) cũng là một ví dụ điển hình.

Thành lập năm 2019, sau hơn 3 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu được đánh giá là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Hiện, HTX triển khai dự án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu”, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách.


Phát triển HTX gắn với du lịch được đánh giá là mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả tại Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Cùng với chính quyền xã, HTX đã hoàn thiện đường đi đến Suối Thác Tiên, thác Bản Tát để đón khách du lịch trải nghiệm, cùng hệ thống hang động như: Hang Gấu, Hang Dơi, Hang Vàng... Riêng trong năm 2022 đã có trên 5.000 lượt khách đến du lịch tại Nà Hẩu, tạo sinh kế và mang lại thu nhập đáng kể cho người dântộc Mông.

Đặc biệt, tháng 4/2022, sản phẩm "Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát” đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Văn Yên. Điểm nổi bật của sản phẩm này là có sự tham gia của người dân, các hộ dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ đó, cả trên khía cạnh kinh tế và xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường thiên nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Năm 2022, doanh thu của HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu là 2 tỷ, lợi nhuận đạt được là gần 1 tỷ đồng. Hiện, HTX có 14 thành viên là người dân tộc Mông và hàng chục người lao động với mức thu nhập ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Có chính sách để phát triển HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Toàn tỉnh Yên Bái có 652 HTX, với trên 32.000 thành viên tham gia. Trong 3 năm (2020-2022) bình quân thành lập mới 92 HTX/năm. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 1.451 tỷ đồng; doanh thu bình quân của HTX đạt năm 2022 đạt 2,1 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân HTX đạt 450 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng...

Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, Yên Bái cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác phù hợp với từng giai đoạn và tập trung phát triển khu vực này với quan điểm phát triển HTX phải phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và đặc điểm thực tế địa phương trên tinh thần tự nguyện, công khai cùng có lợi.

Các HTX, tổ hợp tác đã có bước chuyển mình về cả lượng và chất, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tính riêng năm 2022, các HTX đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 35 tỷ đồng - một con số không phải là lớn so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của các HTX.

Cái được rõ nét hơn cả là các HTX đã thể hiện vai trò nòng cốt trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và người dân, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế.

Dù vậy, việc phát triển HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh kiến nghị bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt có chính sách ưu đãi những HTX có nhiều thành viên là phụ nữ người dân tộc; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là người dân tộc thiểu số; có ưu đãi về nguồn vốn; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra sản phẩm cho HTX, tổ hợp tác ở vùng này…

(Theo Vnbusiness)

Tags Người Mông Yên Bái thoát nghèo hợp tác xã

Các tin khác
Vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi được phép sử dụng rộng rãi trên cả nước.

Ngày 24-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 24/7, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 286/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định lấn biển.

Các hộ chăn nuôi cần thường xuyên phun tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh để góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 6 ổ dịch nhiệt thán tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Lai Châu với tổng số trâu, bò mắc bệnh và tiêu hủy là 200 con; ghi nhận 17 người mắc bệnh nhiệt thán (còn gọi là bệnh than). Đối với tỉnh Yên Bái, từ trước đến nay chưa xảy ra bệnh nhiệt thán trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và sự nguy hiểm của dịch bệnh, ngành chuyên môn, các địa phương, người chăn nuôi tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.

Nông dân xã Cao Phạ đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa.

Để đảm bảo năng suất, sản lượng, những ngày này, huyện Mù Cang Chải chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung bón thúc, thăm đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa mùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục