Lục Yên - địa phương đi đầu thu ngân sách

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/8/2023 | 4:25:55 PM

YênBái - Với các giải pháp đồng bộ, sát thực tế, 7 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Lục Yên thu ngân sách đạt 140,2 tỷ đồng, bằng 42,9% dự toán tỉnh giao, trong đó: thu cân đối đạt 69,3% dự toán năm, cao nhất toàn tỉnh trong nửa đầu năm nay.

Chi cục Thuế Lục Yên họp bàn giải pháp thu ngân sách 5 tháng cuối năm 2023
Chi cục Thuế Lục Yên họp bàn giải pháp thu ngân sách 5 tháng cuối năm 2023

Năm 2023, huyện Lục Yên được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao thu ngân sách 327,3 tỷ đồng, trong đó thu cân đối 182,3 tỷ đồng và thu tiền sử dụng đất 145 tỷ đồng. 

Với các giải pháp đồng bộ, sát thực tế, 7 tháng đầu năm, toàn huyện thu đạt 140,2 tỷ đồng, bằng 42,9% dự toán tỉnh giao, đạt 41,9 % dự toán HĐND huyện và  bằng 38,9 % kịch bản thu 7 tháng, đạt 84,6% so cùng kỳ năm 2022; trong đó: thu cân đối ngân sách 126,4 tỷ đồng, đạt 69,3% dự toán năm (cao nhất trong toàn tỉnh); thu tiền sử dụng đất 13,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Lục Yên cho biết: "Từ kinh nghiệm quản lý thu trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2023, Chi cục Thuế đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý từ rất sớm, có kế hoạch lộ trình quản lý từng nguồn thu, phân công phân nhiệm rõ ràng. 

Trong đó, Chi cục đẩy mạnh chống thất thu, tìm kiếm nguồn thu dự phòng nhằm bù đắp những nguồn khó khăn được triển khai ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Đặc biệt, Chi cục luôn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chủ động giám sát, đôn đốc kê khai kịp thời; tăng cường các biện pháp phân tích kiểm tra, đảm bảo người nộp thuế kê khai sát giá trị tính thuế thực tế và giá tính thuế theo quy định”.  


Lãnh đạo Chi cục Thuế Lục Yên khen thưởng các đội thuế  đã làm tốt công tác thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2023 

Thêm lý do thúc đẩy được tiến độ thu ngân sách là sản xuất của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 có dấu hiệu phục hồi tốt. Hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến, khai thác  khoáng sản (đá) có doanh thu tăng trưởng tốt. Nếu như 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu đối với khối doanh nghiệp trên địa bàn chỉ đạt 52 tỷ đồng thì đến hết 6 tháng năm 2023 con số này đã đạt 65,7 tỷ đồng, tăng 26%. 

Một số nguồn thu khác cũng tăng trưởng tốt: thu xử phạt vi phạm an toàn giao thông tăng đột biến (thu 3,8 tỷ đồng, tăng 171%; thuế thu nhâp cá nhân tăng 25,5% (11,9 tỷ/9,5 tỷ) so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh những thuận lợi trong 7 tháng đầu năm, dự báo công tác thu ngân sách của huyện Lục Yên 5 tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn. Bởi trong những năm gần đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn chủ yếu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản (các loại đá), chiếm tỷ trọng khoảng trên 60% -  70% số thu cân đối. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 dự báo lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai và xung đột vũ trang, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn, những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn huyện Lục Yên có dấu hiệu phục hồi, sản lượng sản xuất tiêu thụ tăng, nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn rất thấp. 

Điều đó cho thấy, việc mua bán, tiêu thụ vẫn ở trạng thái hàng tồn kho trong nước, chỉ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nên nếu sản lượng xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm 2023 và năm 2024 không được cải thiện (tăng trưởng) thì có thể khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sẽ ngưng trệ, phát sinh thuế sẽ giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến số thu ngân sách trên địa bàn. 

Thêm nữa, cũng như nhiều địa phương khác, huyện Lục Yên đang gặp khó khăn trong thu từ tiền sử dụng đất. Theo ông Nguyễn Quốc Huy thì tình hình thu tiền sử dụng đất năm 2023 đất vô cùng khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản trầm lắng, các quỹ đất thực hiện bán đấu giá không có người mua, nhiều lô đất đã trúng đấu giá nhưng người nộp thuế chưa có khả năng thanh toán nên chấp nhận hủy kết quả đấu giá; việc triển khai các dự án phát triển quỹ đất mới để đưa ra đấu giá vì nhiều lý do nên bị chậm so với kế hoạch.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu cả năm,= với số thu ngân sách còn phải thực hiện 5 tháng cuối năm 187,1 tỷ đồng (trong đó thu cân đối 55,9 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 131,2 tỷ đồng), Chi cục Thuế huyện  tiếp tục tham mưu điều chỉnh kịch bản thu để đảm bảo sát tình hình thực tế tại thời điểm hiện nay, trong đó có kịch bản, phương án thu dự phòng. 

Đặc biệt, Chi cục sẽ chủ động tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Tham mưu, chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành có giao nhiệm vụ thu, thường xuyên phối hợp rà soát phân tích đánh giá kết quả thu; điều chỉnh biện pháp quản lý và khai thác tốt nhất nguồn thu tiềm năng, không để thất thu do yếu kém trong các khâu quản lý. Điều chỉnh kịch bản thu kịp thời khi có các điều kiện thu biến động, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, để kịch bản thu luôn khả thi.

Ban chỉ đạo chống thất thu thuế và các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, khai thác triệt để các nguồn thu tiềm năng để sẵn sàng cho việc bù đắp nguồn thu khó khăn, thiếu hụt. Trong đó, tập trung chống thất thu các ngành nghề, lĩnh vực: khai thác, vận chuyển tiêu thụ khoáng sản; dịch vụ xây dựng cơ bản nhà tư nhân và xây dựng cơ bản vãng lai; kinh doanh vận tải và máy công trình; chuyển nhượng bất động sản; kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử…

Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động, nhất là thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, gia hạn nộp thuế (như giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước); chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh được tiếp cận và hưởng lợi tối đa từ các chính sách ưu đãi hỗ trợ, góp phần tạo động lực, nguồn lực để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Bên cạnh đó, Lục Yên tiếp tục thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ chế biến sâu, công nghệ sạch, nâng cao giá trị gia tăng đơn vị sản phẩm đá trắng cũng như những tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết như chế biến gỗ, vật liệu xây dựng…Đồng thời, tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Với các giải pháp đồng bộ, kế hoạch rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể, tin rằng nhiệm vụ thu 327,3 tỷ đồng của huyện Lục Yên năm 2023 sẽ sớm "về đích".

Văn Tuấn

Tags Lục Yên thu ngân sách pháp lệnh sản xuất kinh doanh doanh nghiệp đá quý

Các tin khác
Giá xăng dầu lại tăng mạnh.

Giá xăng dầu hôm nay (1/8) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng mạnh từ 15h, với mức tăng gần 1.200 đồng/lít.

Ảnh minh họa.

Sau hai tháng giảm liên tiếp, giá gas bán lẻ trong nước tháng 8 đã quay đầu tăng theo đà tăng của giá gas trên thị trường thế giới.

Cán bộ Công ty Điện lực Yên Bái tuyên truyền đến người dân các giải pháp tiết kiệm điện.

Cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của cả nước về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, UBND tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong, sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm.

Toàn huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong nuôi; tập trung chủ yếu ở các xã: Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn…; sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục