Là một trong những địa phương thực hiện nhanh và đạt kết quả cao nhất trong cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) tại tỉnh Yên Bái, từ năm 2017 đến nay, huyện Yên Bình đã cấp 10.786,1 ha/20.000 ha, đạt 53,9% kế hoạch. Trên địa bàn huyện hiện có 3 công ty, hợp tác xã tham gia chương trình này gồm: Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát, Hợp tác xã Lâm nghiệp Thuận Nhiên và Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó Trưởng Ban đại diện cấp chứng chỉ rừng FSC huyện Yên Bình cho biết: "Hết quý I/2023, huyện đã cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích 1.779,8 ha. Để hoàn thành cấp chứng chỉ 3.000 ha rừng FSC năm 2023, huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC".
"Huyện cũng yêu cầu các đơn vị tham gia chương trình xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình các bước quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC theo năm cho từng xã, theo từng tuần, từng tháng cho các nhóm hộ, có mốc thời gian triển khai, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, tiếp cận, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn” - ông Dĩnh cho biết thêm.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến hết quý II/2023, diện tích được cấp chứng chỉ rừng mới trên địa bàn toàn tỉnh là 2.335 ha/8.960 ha kế hoạch cấp mới, nâng diện tích được cấp chứng chỉ rừng toàn tỉnh lên trên 13.051/20.000 ha rừng trồng, đạt 65,3% kế hoạch năm. Trong đó, huyện Yên Bình đạt 10.786,1 ha/12.000 ha, bằng 89,9% kế hoạch; huyện Trấn Yên đạt 1.400,4 ha/3.000 ha kế hoạch, bằng 46,7%; thành phố Yên Bái đạt 555,2 ha; huyện Lục Yên 309,85 ha/2.000 ha, đạt 15,5% kế hoạch...
Cấp chứng chỉ rừng là để thực hiện tốt hơn việc quản lý rừng bền vững, có nguồn gỗ lớn xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp khó khăn về trình độ quản lý và nguồn kinh phí thực hiện. Phần lớn diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến giá trị kinh tế khi tham gia FSC chưa cao, khó khăn trong công tác tuyên truyền và quản lý của nhóm. Nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc tham gia liên kết xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng vì lo ngại sau khi có chứng chỉ FSC sẽ bị ép buộc bán gỗ cho công ty và siết chặt quản lý đối với hộ dân.
Đồng thời, để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hàng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ...
Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho rằng: "FSC là một quy trình cấp chứng chỉ rừng có các nguyên tắc và tiêu chí về hoạt động quản lý và khai thác rừng riêng khá ngặt nghèo. Trong đó, có những tiêu chí đang là vấn đề mà thực tế tỉnh Yên Bái chưa giải quyết được, như: phần lớn diện tích rừng của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tính pháp lý về mặt hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Diện tích rừng còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại cây trồng trong một lô rừng (keo, quế, bồ đề...), nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhưng lại tự ý khai thác trước hạn, thay đổi loại cây trồng, đã gây khó khăn cho việc rà soát, đánh giá hồ sơ và phát sinh thêm chi phí trong quá trình triển khai cấp chứng chỉ rừng”.
Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đã được đưa vào nghị quyết, các chương trình hành động, được xác định là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do đó, để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như sớm xác định thị trường đối với sản phẩm gỗ rừng trồng để lựa chọn tiêu chuẩn cấp chứng chỉ về quản lý rừng bền vững (FSC) phù hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, rà soát hiện trạng rừng để thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; bổ sung các đơn vị có năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC.
Cùng với đó, ngành tăng cường liên kết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Ngành cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện đúng nội dung đã cam kết khi tham gia cấp chứng chỉ rừng; tổ chức kế hoạch thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ cho người dân có diện tích rừng tham gia thực hiện cấp chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng người dân bán gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC với lý do các doanh nghiệp không thu mua, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thiệt hại về nguồn vốn của doanh nghiệp khi thực hiện cấp chứng chỉ...
Ngoài ra, nắm bắt nhu cầu thị trường thế giới đặc biệt ưa chuộng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc organic (hữu cơ), trong đó có các sản phẩm từ cây quế; các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tích cực chủ động thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm quế xây dựng, thực hiện các dự án chuỗi giá trị theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh (Nghị quyết về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025) để chuyển đổi giữa 2 chỉ tiêu chứng chỉ rừng FSC, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS)/PEFC và chứng nhận quế hữu cơ để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Thanh Chi