Lục Yên phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi hộ nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/8/2023 | 3:48:45 PM

YênBái - Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Lục Yên đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên và Hội CCB thị trấn Yên Thế tham quan mô hình kinh tế của anh Phạm Quang Trung (bên trái).
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên và Hội CCB thị trấn Yên Thế tham quan mô hình kinh tế của anh Phạm Quang Trung (bên trái).

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Vương Đình Công ở thôn Nà Vài, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên có quy mô vừa, đàn lợn chỉ gần 100 con nhưng đã trở thành mô hình kiểu mới, độc đáo nhờ hệ thống âm nhạc trong chuồng trại. 

Anh Công học được cách chăn nuôi này qua mạng internet và đã cho "lợn nghe nhạc” hằng ngày, đều đặn một tiếng buổi sáng và buổi chiều. Theo anh Công, chưa có nhiều nhà khoa học khẳng định việc "lợn nghe nhạc” giúp tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng nhanh nhưng mỗi năm gia đình anh thu về trên dưới 250 triệu đồng từ bán lợn giống, lợn thịt nên anh vẫn áp dụng. 

Anh Công chia sẻ: "Là hộ cận nghèo ở xã, năm 2017, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Có vốn, tôi xây dựng lại hệ thống chuồng trại, vận dụng kinh nghiệm bản thân và các biện pháp chăn nuôi mới từ mạng xã hội, các mô hình kinh tế lân cận để áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. 

Sau 4 năm vay vốn, việc chăn nuôi thuận lợi nên gia đình tôi đã trả hết nợ, trở thành hộ có kinh tế khá tại địa phương. Xây dựng mô hình chăn nuôi kiểu mới là niềm vui trong chăn nuôi của gia đình nhưng cũng phải nhờ tới sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp. Từ việc hỗ trợ nguồn vốn, mở các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến quan tâm động viên gia đình lúc gặp khó khăn thì gia đình tôi mới gây dựng được mô hình kinh tế như hiện nay”. 

Tham quan mô hình chăn nuôi của gia đình anh Công, anh Hoàng Văn Chánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Xuân phấn khởi chia sẻ, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo. 

Với vai trò cầu nối, Hội Nông dân xã đã đảm bảo công tác rà soát, thẩm định, hỗ trợ hội viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng; đồng thời phối hợp triển khai các lớp tập huấn giúp hội viên nắm bắt kiến thức, từ đó gây dựng mô hình kinh tế, sớm ổn định đời sống.

Năm 2014, anh Phạm Quang Trung ở tổ 12, thị trấn Yên Thế vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng cây ăn quả và cây cảnh. Từ chỗ chỉ làm mô hình nhỏ đến nay gia đình anh mở rộng diện tích trên 600m2, trồng trên 150 gốc bưởi Diễn, trên 1 nghìn gốc đào và hàng nghìn cây cảnh các loại. 

Để mở rộng mô hình, đầu năm 2023, anh Trung tiếp tục vay 100 triệu đồng từ vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện thông qua kênh của Hội Cựu Chiến binh thị trấn. Hiện mô hình của gia đình tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng, tổng thu nhập của gia đình đạt 300 triệu đồng/năm.

Anh Trung chia sẻ: "Chính quyền và Ngân hàng CSXH huyện luôn quan tâm đến người nông dân, người lao động thông qua việc hỗ trợ việc làm, nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế gia đình… Những thành quả của gia đình đạt được có một phần rất lớn từ sự quan tâm, hỗ trợ ấy. Tôi cũng mong muốn sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay thường xuyên hơn để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương”. 

Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế, địa phương hiện có 337 hộ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ 24 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay có 68 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số vốn 6,5 tỷ đồng. 

Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện đã và đang góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa bàn. Các hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nâng cao thu nhập. Thông qua các tổ chức ủy thác đã có 12.800 hộ được vay vốn, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt 715 tỷ đồng. Doanh số cho vay 6 tháng đạt gần 138 tỷ đồng với gần 3 nghìn hộ vay vốn. 

Ông Nông Ngọc Huấn – Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn từ cơ sở để có cơ sở xin nguồn vốn vay từ cấp trên phục vụ người dân. Mục tiêu tập trung vào các chương trình như: hỗ trợ nhà ở xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo… Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục đảm bảo công tác quản lý nợ, xử lý nợ rủi ro và đưa ra các giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các hạn chế, sai sót trong quá trình hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ theo dõi khai thác và tổng hợp số liệu theo quy định. 

Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, các tổ chức hội, đoàn thể để làm tốt công tác giải ngân, tuyên truyền và phổ biến các cơ chế, chính sách mới về tín dụng đến người dân; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tín dụng trong việc bám sát cơ sở, hướng dẫn hộ vay cách thức sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Hoài Văn

Tags Lục Yên Ngân hàng CSXH hộ nghèo cận nghèo vốn vay

Các tin khác
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Yên Bái có 8 nhóm chỉ số giá tăng.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Yên Bái có 8 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,83%.

Nhiều khu vực hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại Yên Bái cũng bị sự cố do các đợt mưa giông kéo dài.

8.484 khách hàng hàng tại các tỉnh Tây Bắc bị gián đoạn cung cấp điện do bị cô lập - ảnh hưởng của mưa giông, sạt lở và lũ quét.

Mặt hàng dăm gỗ từng được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore...

Theo tìm hiểu của phóng viên báo chí, những ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu như: Gỗ, cao su, lĩnh vực sản xuất, chế biến sắn… có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ những công văn hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ của ngành Thuế.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục