Bức tranh mới vùng cao Nậm Khắt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/8/2023 | 8:20:29 AM

YênBái - Cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, đường bê tông rộng mở nối dài với những hàng cây, hoa, hệ thống điện chiếu sáng, những ngôi nhà khang trang "ba sạch” ẩn hiện bên cánh đồng, triền núi.... Đó là cảnh sắc nơi vùng cao Nậm Khắt - địa phương tiên phong xây dựng nông thôn mới ở huyện Mù Cang Chải.

Đổi thay tư duy từ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Nậm Khắt tích cực tham gia lao động, vệ sinh, dọn dẹp đường bản sạch đẹp.
Đổi thay tư duy từ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Nậm Khắt tích cực tham gia lao động, vệ sinh, dọn dẹp đường bản sạch đẹp.

Có được kết quả này, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị của tỉnh, của huyện thì bà con đồng bào Mông nơi đây đã và đang từng ngày đổi mới từ tư duy, cách làm và lối sống để chung sức đồng lòng, lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bản, trong xã.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã đã xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công. Đặc thù là xã vùng cao, chủ yếu là bà con dân tộc Mông nên phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân được địa phương triển khai theo hướng "cầm tay chỉ việc”. Hướng tuyên truyền là để bà con hiểu mình phải là chủ thể "mình làm, mình hưởng" để không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại quá nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước.

Qua đó, bà con sẽ tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt; tiêu biểu như xây dựng đường bê tông nội đồng, cứng hóa kênh mương; xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, khuôn viên; làm đường điện "Thắp sáng đường quê" ;  xóa đói giảm nghèo; cải thiện an ninh trật tự ở các khu dân cư...

Cùng với đó, bằng việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất, tổ chức quy hoạch thành các vùng hàng hóa tập trung, nhiều tập quán canh tác cũ lạc hậu đã được bà con thay thế bằng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến. 

Với 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 28 mô hình liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất rau màu các loại, trồng cây ăn quả. Cùng với đó, chuyển đổi 50 ha diện tích trồng lúa sang trồng hoa hồng và rau cải mầm đá. Người dân Nậm Khắt cũng chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung. Nhờ vậy mà bình quân thu nhập đầu người đạt trên 38 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 17,6%. 

Chị Lý Thị Mỷ - bản Páo Khắt, xã Nậm Khắt phấn khởi: "Từ ngày làm ở HTX trồng hoa gia đình mình khá hơn trước rất nhiều. Hàng tháng vừa có tiền cho thuê đất lại vừa có tiền đi trồng hoa thuê. Bà con ở đây, nhiều người có việc làm, có tiền để mua sắm đồ đạc trong nhà nên ai cũng vui và tích cực đi làm”. 


Cánh đồng ở xã vùng cao Nậm Khắt.

Nỗ lực triển khai thực hiện chương trình với từng bước đi vững chắc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, xây dựng NTM trên địa bàn Nậm Khắt đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Nhận thức của đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản được nâng lên rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, xã Nậm Khắt đạt 12/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, còn 7 tiêu chí đang trong giai đoạn nỗ lực và phấn đấu hoàn thành để đạt mục tiêu kế hoạch cán đích xã NTM trong năm 2024. 

Theo đồng chí Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt: Với các tiêu chí chưa đạt như: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, môi trường…, địa phương đã và đang tập trung thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ trong chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng NTM; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là nghề chế biến nông sản, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, gò hàn, kỹ thuật trồng nấm, trồng lúa, trồng hoa, trồng rau an toàn, chăn nuôi - thú y, chăn nuôi lợn, gà, ong và xây dựng, sửa chữa thiết bị máy nông cụ, may mặc...

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Xã cũng luôn tạo điều kiện tốt cho cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút lực lượng lao động của địa phương có việc làm thường xuyên, tích cực sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn. 

Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó, chính quyền xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn môi trường là phục vụ chính bản thân mình, cụ thể từ việc vận động nhân dân và các đoàn thể trồng hoa, cây cảnh tại trụ sở và các tuyến đường để tạo cảnh quan xanh sạch, đẹp và an toàn; vận động bà con tích cực thực hiện chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm; đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước ở các thôn. 

Phát huy nguồn lực trong dân , Nậm Khắt đã huy động tổng vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trên 501,2 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 71 tỉ đồng. Đó là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng, nhất trí thống nhất của ý Đảng, lòng dân ở một xã vùng cao 92,9% đồng bào dân tộc Mông đang từng ngày "vẽ"  bức tranh nông thôn vùng cao sống động.

Thanh Chi

Tags Yên Bái Nậm Khắt nông thôn mới ruộng bậc thang Mù Cang Chải tiêu chí

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện số 766 liên quan về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen".

Công chức Địa chính - Nông lâm xã Hán Đà (bên phải) trao đổi với ông Bùi Mạnh Cường về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi.

Xác định thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp, những năm gần đây, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi mang lại nguồn thu ổn định cho nhân dân.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ.

EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố lưới điện trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ các phương án, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, cung cấp điện ổn định, tin cậy trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục