Nông dân xã Bảo Ái phát triển kinh tế từ rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/8/2023 | 7:43:44 AM

YênBái - Xã Bảo Ái, huyện Yên Bình có diện tích đất lâm nghiệp gần 3.300 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào là lợi thế để địa phương phát triển lâm nghiệp, bởi vậy cấp ủy, chính quyền xã Bảo Ái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển rừng bền vững.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Bảo Ái trao đổi kỹ thuật ươm, trồng cây quế với người dân thôn Tân Lập.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Bảo Ái trao đổi kỹ thuật ươm, trồng cây quế với người dân thôn Tân Lập.


Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Bảo Ái đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Hà Đình Minh - Chủ tịch HND xã Bảo Ái cho biết: HND xã hiện có hơn 845 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, xã chỉ đạo các thôn triển khai các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng nông nghiệp. Khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng, kết hợp với công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. 

"Cùng với đưa loại cây trồng chính như: keo, bồ đề, bạch đàn, mỡ vào diện tích rừng, gần đây là cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực của nông dân, hàng năm, chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng; tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…" - ông Minh chia sẻ.

Đến nay, trồng rừng phát triển kinh tế hộ đã trở thành phong trào rất mạnh ở xã Bảo Ái. Nhiều hộ đầu tư trồng từ 15 - 25 ha rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như các hộ: Đặng Văn Nam, Đặng Văn Nguyên ở thôn Ngòi Ngần; Lê Hồng Trưởng, Nguyễn Văn Hùng ở thôn Vĩnh An; Đặng Văn Thái, thôn Ngòi Ngù; Nghiêm Văn Xuân, thôn Đoàn Kết; Lưu Văn Tuất, thôn Tân Lập; Đinh Văn Thắng, thôn Đát Lụa; Nguyễn Văn Long, thôn Ngòi Bàng…, hàng năm thu tới vài trăm triệu đồng từ gỗ rừng trồng. 

Ngoài ra, tận dụng lợi thế nguyên liệu sẵn có của địa phương, 14 hộ trong xã đã đầu tư mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương và nâng cao thu nhập. 

Chị Phạm Thị Tuyết, thôn Tân Lập chia sẻ: "Gia đình tôi trồng hơn 20 ha, chủ yếu là cây keo và bồ đề, so với sản xuất nông nghiệp thì trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Đặc biệt là cây keo, vì chu kỳ khai thác chỉ trong vòng 7 - 8 năm đã cho thu hoạch và sau khi khai thác số tiền lãi thu về đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Nhờ trồng rừng mà kinh tế của gia đình tôi ngày càng khá hơn…”. 

Từ nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích to lớn của kinh tế rừng mang lại, phong trào bảo vệ và phát triển kinh tế từ rừng ở xã Bảo Ái đang ngày càng phát triển. Cùng với đó là chủ trương phát triển rừng sản xuất, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC (sản phẩm lâm nghiệp được sản xuất theo cách có trách nhiệm với môi trường và có lợi cho xã hội) và sự quan tâm của chính quyền các cấp trong công tác phát triển rừng. 

Cũng nhờ thực hiện đảm bảo các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng, nên người dân trồng rừng theo hướng nông lâm kết hợp ngày càng phát triển theo hướng bền vững, rừng được quản lý chặt chẽ hơn. 

Lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp của xã Bảo Ái đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Qua đó, cải thiện đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Bảo Ái giảm còn 275 hộ, bằng 12,38%.

Vũ Đồng

Tags Bảo Ái kinh tế rừng keo bồ đề bạch đàn mỡ quế hội nông dân

Các tin khác
Nhờ sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, ông Lương Ngọc Liên đã mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa.

Xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Bởi vậy, với điều kiện tự nhiên cũng như trình độ của người dân, phát triển chăn nuôi đã dần trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực và được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng, quan tâm tuyên truyền, định hướng nhân dân đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa.

Dự báo giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới giảm nhẹ (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu)

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng giảm, tác động tích cực, kéo theo giá xăng dầu Việt Nam có thể giảm trong kỳ điều hành 1/9.

Nhiều chính sách mới về tài chính ngân hàng có nội dung đáng chú ý liên quan đến hoạt động vay vốn sẽ có hiệu lực tháng 9/2023.

Ảnh minh họa.

Yên Bái dự kiến đến năm 2030 quy hoạch mới 5 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.364,0 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục