Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ: Văn Chấn là huyện miền núi có gần 80% dân số ở nông thôn và gần 70% lao động nông nghiệp. Đảng bộ huyện xác định, đây là lĩnh vực cần có sự ưu tiên đặc biệt và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì muốn phát triển huyện Văn Chấn giàu mạnh thì cần phải ưu tiên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn.
Trong những năm qua, với sự ưu tiên, với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt được một số kết quả khá quan trọng. Huyện đã quy hoạch và hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, như vùng cây lương thực, vùng lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng quế, rừng trồng nguyên liệu, vùng cây ăn quả và một số mô hình sản xuất chăn nuôi tập trung.
Đến nay, huyện có 23 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao; 11/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Suối Giàng là xã vùng cao có trên 98% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát lành cùng giống chè cổ thụ đặc sản Shan tuyết.
Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh đó, huyện Văn Chấn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và nâng tầm giá trị sản phẩm chè Shan tuyết. Huyện đã phối hợp với các nhà khoa học khảo sát, đánh giá, đánh dấu những cây đầu dòng, phân định độ tuổi và gắn biển cho từng cây.
Sau chứng nhận nhãn hiệu độc quyền Tuyết Sơn trà, chứng nhận quần thể 400 cây chè cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam, năm 2022, các sản phẩm chè Suối Giàng tiếp tục được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Những danh hiệu không chỉ giúp khẳng định giá trị, chất lượng của sản phẩm mà còn góp phần quảng bá thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đã sản xuất được hàng chục loại chè thơm ngon thượng hạng, trong đó có 5 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 4 sao. Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng chia sẻ: Rất vinh dự cho chúng tôi có sản phẩm Tuyết Sơn trà Suối Giàng được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao. Chứng nhận OCOP là giấy thông hành giúp chúng tôi quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng vươn tầm thế giới. Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp là đa dạng hóa cây trồng có chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của các khu vực.
Các đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được triển khai với việc đẩy mạnh phát triển cây dâu tằm tơ, mở rộng diện tích cây măng sặt và đưa loại cây trồng mới mắc ca vào trồng xen chè. Đến nay, những lứa măng sặt, những diện tích mắc ca đã cho những tín hiệu khả quan, những vụ dâu tằm tơ đã mang đến cho người nông dân những niềm vui mới.
Ông Lò Văn Phúc, xã Chấn Thịnh, Văn Chấn chia sẻ: Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên tham gia phát triển cây dâu tằm ở Chấn Thịnh. Ban đầu cũng lo lắng về đầu ra, nhưng nay sản phẩm được hợp tác xã bao tiêu với giá thành khá cao nên chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi.
Với 21 xã, 3 thị trấn, trong đó có 15 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện phấn đấu có thêm 10 xã cán đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/21 xã. Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khơi dậy sức mạnh nội lực của nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Kết quả, 11/21 xã cán đích nông thôn mới, trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn.
Có thể khẳng định, hơn nửa nhiệm kỳ qua, huyện Văn Chấn đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Bước đầu huyện đã quy hoạch và định hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo được những vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao và đưa những cây con giống mới vào sản xuất khá hiệu quả. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới hiện đại, thân thiện, giàu bản sắc và văn minh.
Đồng chí Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho rằng, kết quả đạt được sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp là rất khả quan. Mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới huyện Văn Chấn xác định cần tiếp tục dành sự ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là có sự ưu tiên đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng.
Trên cơ sở lợi thế của các vùng miền trên địa bàn, huyện tiếp tục đánh giá, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, các đề án đã triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế cũng như nhu cầu, yêu cầu phát triển của thị trường. Cần tiếp tục có sự thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp, hàng hóa; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh; định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, làm sao đồng bộ được các khâu, từ khâu sản xuất, đến khâu chế biến và khâu tiêu thụ để thực hiện sản xuất nông nghiệp, hàng hóa bền vững. Huyện chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trần Van