Thực hiện Chương trình trồng dâu, nuôi tằm của huyện Trấn Yên, xã Minh Quân đã thành lập Ban chỉ đạo trồng dâu, nuôi tằm. Xã đẩy mạnh tuyên truyền chương trình trồng dâu, nuôi tằm; tập trung chỉ đạo phát triển mở rộng diện tích trồng dâu, lựa chọn cây dâu giống, hom giống đảm bảo trong khung lịch thời vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển mở rộng diện tích trên địa bàn các thôn, hướng dẫn nhân dân đầu tư thâm canh chăm sóc diện tích dâu đảm bảo sản lượng lá dâu nuôi tằm vụ thu; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm.
Xã cũng đồng thời triển khai xây dựng nhà nuôi tằm lớn đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng thuốc sát trùng nhà tằm, thuốc phòng bệnh tằm theo đúng chủng loại và đúng với tuổi tằm nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Chủ tịch UBND xã Minh Quân Vũ Anh Tuấn cho biết: Xã Minh Quân có 6 hộ tham gia trồng dâu với diện tích 3,8 ha. Được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn kỹ thuật, các hộ trồng dâu đảm bảo mật độ, tỷ lệ sống cao. Cây dâu phát triển tốt đã cho lá đảm bảo nuôi tằm. Giống tằm con được lấy giống tại Hợp tác xã Hạnh Lê, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đảm bảo chất lượng, sinh trưởng đồng đều. Sản lượng đạt 13,5 - 15kg/vòng tằm. Lợi nhuận khi phải mua lá dâu đạt từ 1,8 triệu đồng đến 5, 8 triệu đồng/vòng tằm; lợi nhuận không phải mua lá dâu đạt từ 9,6 triệu đồng đến 10, 8 triệu đồng/vòng tằm. Xã cũng đã thành lập 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm với 15 thành viên.
Bà Ngô Thị Tuyết Lương, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân chia sẻ: Được xã vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Tôi thấy cây dâu, con tằm phù hợp với đồng đất Minh Quân. Kết quả bước đầu cho thấy, trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng trước kia”.
Ông Lê Chí Công – thôn Tiền Phong, xã Minh Quân cho biết: Sau khi nhận giống tằm, chúng tôi được cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương trực tiếp hướng dẫn và thực hiện quá trình nuôi tằm. Hướng dẫn kỹ thuật hái lá dâu, cho tằm ăn, cách thay lá, nhận biết tằm ngủ, tằm dậy. Sau 9 ngày, tằm bắt đầu chín và được cho vào 80 né gỗ ô vuông để làm kén. Dự kiến, 1 ha dâu một năm, nhà tôi sẽ nuôi được 5 lứa tằm.
Trên cơ sở thành công bước đầu từ chương trình trồng dâu, nuôi tằm, Chủ tịch UBND xã Minh Quân Vũ Anh Tuấn cho biết: Xã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển diện tích cây dâu trên địa bàn các thôn Đức Quân, Linh Đức, Tiền Phong đã được quy hoạch, đưa cây dâu trở thành một trong những cây trồng chủ lực của xã, phấn đấu hết năm 2023 sẽ trồng được 6 ha trở lên. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc để đảm bảo sản lượng, nâng cao chất lượng lá.
Trên địa bàn xã Minh Quân hiện có trên 15 ha diện tích đất soi bãi tập trung tại 2 thôn Hòa Quân, Gò Bông rất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng song số diện tích trên lại đang lập dự án đưa vào quy hoạch các công trình trọng điểm nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện phát triển vùng sản xuất dâu bền vững.
Về nuôi tằm, xã khuyến khích các hộ dân thực hiện liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ nuôi tằm con để mua tằm giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho các hộ nuôi tằm lớn. Xã cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ xây dựng mới nhà nuôi tằm lớn phù hợp với diện tích dâu của gia đình; đảm bảo quy cách yêu cầu kỹ thuật; phun thuốc tiêu độc khử trùng nhà tằm và cách ly nhà tằm sau mỗi lứa nuôi; đẩy mạnh liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm kén tằm đảm bảo sản lượng kén làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Sự kiên trì của của cấp ủy, chính quyền xã trong tuyên truyền, vận động cùng sự tâm huyết, mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương của người nông dân là yếu tố quan trọng đưa cây dâu phát triển, con tằm ngày càng sinh sôi hiệu quả trên đồng đất Minh Quân, trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã trong tương lai.
Mạnh Cường