Năm 2016, gia đình chị Vũ Thị Hưng, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình được hỗ trợ 3.000 cây quế giống theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020. Tham gia Đề án, ngoài việc được hỗ trợ cây giống, gia đình chị Hưng còn thường xuyên được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế, chị còn mạnh dạn tham gia chương trình trồng quế hữu cơ ở địa phương.
Quế phát triển tốt, gia đình chị tiến hành trồng bổ sung từng vụ. Sau 7 năm, gia đình chị Hưng đã có tới 5 ha, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch cành, lá bán thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm. Chị Hưng chia sẻ: "Khi tham gia chương trình trồng quế hữu cơ, gia đình tôi được tiếp cận những kiến thức khác với phương thức canh tác cũ như: cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón; sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm, độ xốp và sự mầu mỡ cho đất...”.
Xã Tân Hương hiện có 1.023 ha quế. Cây quế trồng tại địa phương khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng phát triển tốt, bước đầu đã đem lại kinh tế cho người dân và góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Bà Hồ Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: "Hiện nay xã Tân Hương có hơn 800 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng quế, có hơn 1.000 hộ dân trồng quế theo hướng hữu cơ, địa phương đang khuyến khích người dân canh tác quế theo hướng hữu cơ với mục tiêu mang đến sản phẩm quế sạch, nâng cao nguồn thu nhập".
Xác định quế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đại Đồng cũng đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích. Hiện nay, toàn xã đã trồng 170 ha quế, tập trung nhiều ở các thôn Hương Lý, Đá Chồng, Hồng Bàng, bước đầu cây quế đã thực sự đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương.
Ông Đào Xuân Quang - Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho hay: "Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo, bạch đàn, bồ đề sang trồng quế mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc tốt diện tích cây quế hiện có và định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cây quế”.
Thực hiện Đề án tái cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện Yên Bình đã tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng việc thực hiện 6 đề án, trong đó có Đề án về phát triển cây quế.
Đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện, toàn huyện đã phát triển được trên 3.500 ha quế, với hơn 1 nghìn diện tích quế hữu cơ, tập trung chủ yếu ở các xã Đại Đồng, Tân Hương, Cảm Ân, Tân Nguyên và Bảo Ái. Theo ông Phạm Thành Đạt - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, thực hiện Nghị quyết 69, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện phát triển cây quế theo hướng hữu cơ, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng liên kết để sản xuất quế theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Vừa qua, UBND huyện phê duyệt Dự án sản xuất quế hữu cơ theo chuỗi giá trị tại xã Tân Hương giữa Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam với Hợp tác xã nông lâm nghiệp thuỷ sản Tân Hương, trên diện tích 1.023 ha, với 884 hộ nông dân, tại 11 thôn tham gia.
"Chúng tôi tiếp tục mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân phát triển sản xuất quế theo hướng hữu cơ tại các xã dọc tuyến quốc lộ 70 với quy mô từ 2.000 ha trở lên, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo giá trị cây quế" - ông Đạt nói.
Hướng đến một nền nông nghiệp sạch, hiện nay cùng với việc vận động nhân dân tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích quế hiện có, huyện Yên Bình đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để phát triển vùng quế theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Minh Huyền