Mới đây, huyện Văn Yên triển khai xây dựng khu tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng khu dân cư nông thôn mới khu vực cầu vượt An Bình trên địa bàn xã An Bình. Dự án thực hiện tại 2 thôn Tân Hoa và Trái Hút với tổng diện tích đất thu hồi 5,5ha, trong đó 5,3 ha đất của 56 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức cơ bản diễn ra theo kế hoạch.
Gần nửa diện tích đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện; đã có trên 20 hộ nhận kinh phí bồi thường. Nhưng trong quá trình cũng nảy sinh một số tồn tại, vướng mắc và người dân đã có những đề nghị đến các cấp chính quyền. Đây cũng là chuyện bình thường ở tất cả các công trình, dự án phải giải phóng mặt bằng, nhất là diện tích đó giấy tờ xác nhận sở hữu của các hộ dân.
Những kiến nghị là có cơ sở và chính đáng, bởi nhà nào đã ở trong khu vực quy hoạch thì ít nhiều cũng ảnh hưởng. Chỉ đơn thuần như việc trong khuôn khổ một gia đình, có muốn làm một công trình dù to, hay nhỏ, là sửa cái sân, lợp lại mái nhà thì mọi sinh hoạt cũng sẽ có những đảo lộn. Đó là điều thường thấy.
Trong khi đó, diện tích lại tới 5,5ha đất các loại với hàng chục hộ dân có ảnh hưởng thì sao tránh khỏi chuyện phiền phức làm người dân sốt sắng. Nhưng sốt sắng đến mức chuẩn bị cả loa phóng thanh, băng rôn, biểu ngữ để bày tỏ quan điểm, rồi bỏ công bỏ việc, dành thời gian đến các cấp chính quyền nêu kiến nghị có lẽ cũng là điều không đến mức.
Rõ ràng, quá trình xây dựng, triển khai các dự án luôn có sự điều chỉnh của mỗi cấp, ngành chức năng là việc đương nhiên để mang lại sự phù hợp cũng như hiệu quả lâu dài. Dự án tại thôn Tân Hoa và thôn Trái Hút cũng vậy. Khi cầu vượt An Bình hoàn thành cung tuyến nối đi vào hoạt động, việc hình thành các cụm dân cư dọc tuyến sẽ góp phần tạo nên mô hình dân cư ổn định. Mọi người sẽ chung sống trong một cộng đồng có sự gắn bó cao, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ hiện đại; các dịch vụ được quan tâm. Có thể nói, chất lượng cuộc sống cả vật chất - tinh thần của bà con sẽ được nâng lên rõ rệt.
Với người dân, xác định quyền lợi vật chất luôn là câu chuyện hàng đầu. Làm sao để bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng ở mọi khía cạnh đời sống luôn là bài toán đặt ra với các cấp chính quyền cơ sở. Vẫn biết, sau khi được tuyên truyền, vận động, giải thích, hầu hết người dân đều đồng thuận, hiến đất, hiến công trình để Nhà nước đầu tư.
Diện tích đất ở khu vực thôn Tân Hoa và thôn Trái Hút xã An Bình sẽ triển khai dự án Xây dựng khu dân cư nông thôn mới.
Còn nhớ thời điểm tháng 8/2021, UBND huyện Văn Yên khởi công Dự án đầu tư nâng cấp đường Xuân Ái - Viễn Sơn - Yên Phú - Yên Hợp thì đã có hàng trăm hộ dân của 4 xã dọc theo các tuyến đường tự nguyện "dịch rào hiến đất”, giải phóng mặt bằng để thi công công trình. 24 ha đất được hiến cho Nhà nước, trên đó có gần 58 ngàn cây trồng chủ yếu là quế và nhiều tài sản được người dân "hy sinh” dành đất làm đường, có hộ hiến tới 4.000 mét vuông đất trị giá tới 50 triệu đồng.
Hay như Dự án đầu tư tuyến nối Khánh Hòa (Lục Yên) sang An Bình (Văn Yên) có vai trò nâng cao khả năng vận tải, rút ngắn thời gian đi lại giữa khu vực với các trung tâm kinh tế lớn như cửa khẩu Lào Cai, thủ đô Hà Nội; tạo các tuyến đường ngang kết nối các tuyến đường tỉnh, quốc lộ 70 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, lũ lụt trên địa bàn... khởi công tháng 1/2023 cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều hộ dân.
Cuối năm, huyện Văn Yên khởi công tuyến đường nối từ thủy điện Đồng Sung - Đại Phác đi xã Đại Sơn. Khi khởi công đã có trên 50 hộ dân nằm trên tuyến đường đi qua tự nguyện hiến trên 20.000 mét vuông đất đồi rừng, chặt hạ và thu hoạch trên 20.000 cây quế từ 7 - 10 năm tuổi với tổng trị giá gần 500 triệu đồng để mở mới con đường.
Cùng với đó, phong trào dịch rào, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới được khởi động từ năm 2021 đã đưa huyện Văn Yên trở thành điểm sáng. Ngay trong năm 2021 có gần 400 ngàn mét vuông đất dân hiến, góp phần mở thêm trên 15 km nền đường, bê tông hóa 89 km. Thị trấn Mậu A và các xã Phong Dụ Hạ, Viễn Sơn, Yên Phú, Xuân Ái, An Thịnh… là những địa phương có phong trào làm giao thông mạnh mẽ.
Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2023, các hộ dân ở cả 25 xã, thị trấn đã hiến trên 272.000 mét vuông đất; dỡ bỏ 9.753 mét vuông tường rào và các công trình, chặt trên 41 ngàn cây trồng; phong trào còn lan ra các xã: Ngòi A, Tân Hợp, Đại Sơn, Quang Minh…
Sẽ hình thành một khu dân cư tại khu vực đường cầu vượt An Bình trên địa bàn xã An Bình trong thời gian tới.
Cũng chính từ phong trào hiến đất, đóng góp lao động, tiền của cho xây dựng kết cấu hạ tầng với tinh thần "mình vì mọi người” và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng, xã hội của người dân đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Hạ tầng giao thông mở mang, lưu thông hàng hóa thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Nhiều khu, cụm dân cư mọc lên, nhà cửa san sát, khang trang với mạng lưới điện, hệ thống giao thông, viễn thông, nước sạch, cây xanh, môi trường… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Được biết, từ năm 2020 đến nay, huyện Văn Yên đã
triển khai 12 dự án xây dựng khu dân cư mới tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó có 9 khu dân cư nông thôn mới và 3 khu dân cư đô thị mới. Với tổng diện tích gần 17 ha, các dự án này ảnh hưởng diện tích đất của gần 500 hộ dân. Tuy nhiên, hầu hết bà con đều đồng thuận với chủ trương thực hiện, nhanh chóng thực hiện các thủ tục và bàn giao mặt bằng để triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Những gì đã và đang diễn ra ở mỗi địa phương trong huyện như khẳng định rằng, các phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng tuyến đường hoa, thắp sáng đường quê… thực sự đi vào cuộc sống mỗi người dân.
Đó chính là cơ sở để Văn Yên đề ra mục tiêu mỗi năm địa phương có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2024, tất các các xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu 7 xã đủ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và Văn Yên sẽ hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2024.
Quang Tuấn