Chào mừng Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Sớm cụ thể hóa và hoàn thành kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/9/2023 | 7:59:36 AM

YênBái - Sau một thời gian dài đầy nỗ lực, có sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự tâm huyết và trí tuệ của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, các sở, ban, ngành cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn và sự đồng thuận, quan tâm của nhân dân, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/9/2023.

Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay
Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ, tiến độ đặt ra đối với ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) để hoàn thành kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh sau công bố, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh về nội dung này.

P.V: Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận và nhân dân. Xin ông cho biết khái quát về mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Ông Đoàn Hữu Phung: Bám sát định hướng phát triển tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu tổng quát "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ". 

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.

Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình đạt 0,92%/năm. Tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giai đoạn 2026 - 2030 giảm bình quân 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ... 

 
Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. 

Đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên. Đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.

P.V: Đó là mục tiêu tổng quát, vậy còn những đột phá lớn được thể hiện trong Quy hoạch là những gì thưa ông?

Ông Đoàn Hữu Phung: Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đề ra 4 khâu đột phá để phát triển, gồm: đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế. 

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. 

Phát triển dịch vụ đào tạo gắn với nghiên cứu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từng bước đưa dịch vụ khoa học - công nghệ trở thành lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của tỉnh. 

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, trước hết là đầu tư công; thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (giao thông liên kết nội vùng, liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội), thủy lợi; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, chuyển đổi số; hạ tầng liên kết nông thôn với đô thị, liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản,...

P.V: Vâng thưa ông, Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã được phê duyệt. Tư duy, tầm nhìn và khát vọng đã được định hình, vậy với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian tới Sở KH&ĐT sẽ tập trung vào triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào để biến quy hoạch thành động lực phát triển?

Ông Đoàn Hữu Phung: Để Quy hoạch tỉnh trở thành động lực phát triển, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới Sở KH&ĐT tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tham mưu cho tỉnh tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Yên Bái trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nắm bắt được những nội dung chủ yếu của Quy hoạch; quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030; là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có định hướng khảo sát, đăng ký đầu tư. 

Tham mưu cho tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó cần tập trung xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư ngoài nhà nước cần triển khai thực hiện, xác định cụ thể các nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch. 

Nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh. 

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát Quy hoạch tỉnh sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt để tham mưu điều chỉnh Quy hoạch tỉnh trong trường hợp có mâu thuẫn, chồng chéo theo quy định.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Duyên (thực hiện)

Tags triển khai quy hoạch tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Cây cầu cạn 450 tỉ đồng có trụ cầu cao nhất Việt Nam đã được nối thông tuyến với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Ngày 22.9, tuyến tỉnh lộ 155 qua cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức thông xe.

Một góc Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được ví như “người công binh mở đường”, quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến. Với chiến lược phát triển toàn diện, trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội và mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo bệ phóng đưa Yên Bái “cất cánh” trên hành trình hội nhập.

Hệ thống đường giao thông nội đô được mở rộng, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 11/1/2002 là một dấu mốc quan trọng, đặc biệt ý nghĩa đối với người dân thành phố Yên Bái khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Yên Bái.

Trong lần về thăm Yên Bái ngày 25/9/1958, Bác Hồ đã rất quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh. Thực hiện lời dạy của Bác, tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi” cũng như hiện thực hóa mục tiêu và thực hiện tốt một trong ba đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó giao thông vận tải luôn “đi trước mở đường”, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục