Được sự vận động của chính quyền thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn, năm 2021 bà Lê Thị Chuốt, tổ dân phố số 1 đưa vào trồng thử nghiệm trồng 100 cây mắc ca xen trên đồi chè 1 ha. Mỗi cây giống có giá 75.000 đồng; trong đó, được huyện hỗ trợ 50.000 đồng.
Bà Chuốt cho biết: "Hiện, toàn bộ cây mắc ca đã trồng phát triển tốt và bắt đầu ra hoa bói. Tuy nhiên, gia đình tôi chưa thu quả để cây có điều kiện phát triển tốt hơn. Nếu có hiệu quả kinh tế tốt, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, cây mắc ca bắt đầu được trồng trên địa bàn huyện năm 2021 theo đề án của huyện để phát triển kinh tế cho người dân ở các xã trong vùng quy hoạch như: Gia Hội, Nậm Búng, thị trấn Nông trường Liên Sơn... và hiện có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh, với trên 320 ha; trong đó, có 316 ha trồng xen cùng cây chè với mật độ 110 cây/ha và 6 ha được trồng tập trung với mật độ từ 280 - 300 cây/ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn Phạm Nguyên Bình cho biết: "Trên cơ sở đánh giá, khảo sát thực tế một số mô hình đã trồng trong huyện cho thấy, cây mắc ca phù hợp với đất đai, khí hậu trong vùng và có thể trồng xen với cây chè, trồng thuần trên diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả. Riêng đề án trồng mắc ca xen chè, dự kiến đến hết năm 2023 đạt 400 ha tại 5 xã, thị trấn gồm: xã Nậm Búng, Gia Hội, Đồng Khê, thị trấn Nông trường Liên Sơn và thị trấn Sơn Thịnh”.
Mắc ca là cây trồng mới được người dân trồng tự phát theo hình thức phân tán trên địa bàn tỉnh từ khoảng năm 2011. Từ năm 2018 đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua một số mô hình trồng mắc ca người dân được tham quan, học tập thì một số hộ tại các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn đã tự phát trồng trên đất vườn hộ gia đình, đất rừng.
Năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện Đề tài "Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái” và bước đầu cho kết quả. Năm 2021, cùng với 10 hộ tham gia thực hiện Đề tài tại các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải; Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện trồng 12 ha; trong đó, có 8 ha trồng thuần loài tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải; 4 ha trồng xen chè tại huyện Văn Chấn với 4 dòng là OC, 849, 246 và A38.
Qua theo dõi của Chi cục Kiểm lâm và đánh giá, kiểm tra tiến độ của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, cây mắc ca trồng tại Yên Bái có tỷ lệ sống cao; tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt; trong đó, dòng OC và A38, 246 sinh trưởng tốt hơn dòng 849.
Cây mắc ca trồng theo phương thức trồng xen với chè sinh trưởng và phát triển tốt hơn mô hình trồng thuần loài. Hiện nay, cây mắc ca mới dưới 4 năm tuổi nên chưa cho thu hoạch, chưa cho đánh giá sản lượng quả.
Theo Chi cục Kiểm lâm, hiện toàn tỉnh có khoảng 380,66 ha đất lâm nghiệp trồng cây mắc ca bao gồm cả trồng tập trung và phân tán; trong đó, diện tích trồng tập trung 64,66 ha (chủ yếu huyện Trấn Yên, Văn Chấn), diện tích trồng xen canh chè 316 ha (tập trung huyện Văn Chấn).
Hiện nay, cây mắc ca trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới trồng từ 1 đến 4 năm tuổi nên sản lượng thu hoạch chưa cao. Năm 2022, sản lượng mắc ca ước tính gần 7 tấn và việc trồng mắc ca cho thấy, loại cây này phù hợp với đất, khí hậu của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt.
Mặc dù hiệu quả kinh tế và triển vọng từ trồng cây mắc ca đã thấy rõ; tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi triển khai trồng rộng rãi.
Mới đây, làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tỉnh đã nhất trí với quan điểm trồng cây mắc ca trên địa bàn dựa trên cơ sở lựa chọn giống phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả, chất lượng, phát triển theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững và ổn định.
Đồng thời, đề nghị thời gian tới, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tiếp tục phối hợp hỗ trợ các nội dung phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Yên Bái; phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca...
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc các mô hình trồng thử nghiệm, mô hình hiện có trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên. Giới thiệu các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vào đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các dòng Mắc ca phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh và các cơ sở sản xuất giống cây mắc ca đảm bảo chất lượng.
Văn Thông