Hiện nay các loại túi sách, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm mạo danh các thương hiệu nổi tiếng đang bày bán công khai trên thị trường. Giá bán cao hay thấp phần nhiều không phải do chất lượng hàng hóa mà tùy thuộc vào giá thuê mặt bằng kinh doanh.
Tại Chợ Yên Bái và các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Điện Biên, Thành Công… không khó để khách hàng tìm mua được một chiếc kính mắt hiệu Hermes, Gucci, RayBan với giá 200.000 - 400.000 đồng; nước hoa, son môi, kem dưỡng da các loại thương hiệu Lancoma, L’Oreal, Chanel giá bán từ 400.000 - 600.000 đồng/sản phẩm với giá siêu rẻ chỉ bằng 1/20, thậm chí 1/50 giá hàng chính hãng.
Anh Trần Văn Thái, ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái vừa chọn mua một cặp đồng hồ nam nữ thương hiệu cao cấp Omega tại cửa hàng phía bên ngoài cổng Chợ Yên Bái cho hay: "Với giá 2,8 triệu đồng một cặp thì ai cũng biết đâu phải hàng xịn. Nhưng cũng là hàng fake thời trang dạng vòng cao cấp rồi đấy, nhìn đẹp không thua gì hàng chính hãng đâu…”.
Chị Vũ Thị Thủy - chủ hộ kinh doanh hàng mỹ phẩm, túi xách thời trang trên đường Hoàng Hoa Thám, phường Nguyễn Thái Học chia sẻ: "Những sản phẩm hàng chính hiệu giá bán quá cao, rất ít người tiêu dùng có đủ điều kiện kinh tế để sở hữu chúng. Vì vậy, đa số khách hàng biết đó là hàng nhái nhưng vẫn mua sử dụng vì chúng chế tác y trang hàng chính hãng, mắt thường khó phân biệt thật giả. Thị trường có "cầu” ắt có "cung” thôi! Khách hàng đến cửa hàng tôi cũng chẳng thấy ai bắt bẻ gì, vì giờ đây chúng rất phổ biến. Do chính "thượng đế” chấp nhận mua và sử dụng hàng giả. Bởi thế, các nhãn hiệu "triệu đô” của thế giới dễ dàng được tìm thấy từ các chợ cóc, siêu thị cho đến vỉa hè.
Việc các khách hàng mua phải hàng giả do không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả vì chúng được làm giả quá tinh vi đã là chuyện đương nhiên nhưng cũng không ít người chọn loại hàng hóa này vì phù hợp với túi tiền của họ. Khách hàng chấp nhận mua mà không nghĩ rằng mình đang tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi mặt hàng này ngày càng chiếm thị phần cao trên thị trường.
Mặt khác, do thói quen mua bán theo kiểu "tiền trao, cháo múc” người tiêu dùng hầu như không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh quá trình giao dịch. Đây chính là nguyên nhân để các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Trước đây, khi nhắc đến hàng giả, hàng nhái thông thường chỉ phát sinh khi "cung” không đáp ứng đủ "cầu”. Nhưng ngày nay, nhiều mặt hàng cung vượt cầu mà hàng giả, hàng nhái vẫn phát triển. Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ thương hiệu của chính mình là nhiệm vụ khó khăn.
Không trực tiếp sản xuất nhưng ông Lò Văn Khỏe ở thôn Pom Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn cũng thấm thía về hậu quả mà hàng giả gây ra, nó không chỉ giảm lợi nhuận mà uy tín về thương hiệu cũng giảm sút. Đó là sản phẩm gạo nếp Tú Lệ của địa phương ông đang bị làm giả nhiều. Chúng không chỉ bán tại các chợ mà còn ngang nhiên bán công khai tại các cửa hàng kinh doanh lớn, trung tâm thương mại, siêu thị. Hàng giả, giá rẻ hơn khoảng 2/3 so với hàng thật thậm chí còn dán cả hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng để tránh mua nhầm - ông Khỏe bức xúc cho biết.
Ông L.V. T - chủ đại lý sản phẩm may Việt Tiến tại thị trường thành phố Yên Bái cũng cho hay: "Từ nhiều năm trước, khi áo sơ mi Việt Tiến đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm thì nay đã bị làm nhái. Một số cửa hàng thường treo biển hiệu mập mờ các sản phẩm mang nhiều nhãn hiệu tương tự như: Viettien, Victien…
Người tiêu dùng khi mua và sử dụng những sản phẩm bị làm giả, làm nhái này sẽ mất lòng tin vào doanh nghiệp chân chính. Nếu thực trạng này không được giải quyết triệt để thì về lâu dài, thị trường sẽ bị thu hẹp dần và ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp chân chính phải chịu đủ mọi chi phí từ đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu cho đến nộp thuế và đăng ký bảo hộ sản phẩm, thì hàng giả, hàng nhái lại không phải chịu các khoản chi phí đó, sản phẩm bán ra với giá thành rẻ nên tiêu thụ rất nhanh.
Mặt khác khi bị các cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên mức độ vi phạm và tái phạm rất cao. Đây cũng chính là lý do mà một số doanh nghiệp buông xuôi, thờ ơ với chính thương hiệu của mình, hoặc nếu triển khai công tác phòng chống cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ sản phẩm, bao bì, tem mác, tên nhãn hiệu nơi sản xuất để mua được sản phẩm thật thay vì tiến hành khởi kiện ra tòa.
Cũng theo ông L.V.T, để "cuộc chiến” với hàng giả, hàng nhập lậu mang lại hiệu quả, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cần tự nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, vừa qua Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Yên Bái) phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Yên Bái tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Đặng Quốc Toản ở tổ dân phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.
Quá trình kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng sửa chữa ô tô đang bày bán 15 thùng dầu nhờn nhãn hiệu Castrol CRB Turbomax dung tích 18 lít/ thùng do Việt Nam sản xuất, còn mới chưa qua sử dụng có dấu hiệu
giả mạo nhãn hiệu Castrol của CASTROL LIMITED đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ, gửi mẫu để xác nhận hàng thật, hàng giả làm căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 31/7/2023, Công ty TNHH Tư vấn sở hữu trí tuệ Việt đã xác định toàn bộ 15 thùng dầu nhờn nhãn hiệu Castrol đang tạm giữ tại Đội Quản lý thị trường số 2 là hàng hóa
giả mạo nhãn hiệu Castrol...
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhiều các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều đối tượng vẫn không từ các thủ đoạn để buôn bán, kinh doanh trái pháp luật, như chia nhỏ lượng hàng hóa để vận chuyển trên nhiều phương tiện vận tải khác nhau, với các khoảng thời gian không cố định, hoạt động vào đêm tối, các ngày nghỉ, đồng thời bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử (Zalo, Facebook,…) đang rất phổ biến và gửi hàng qua các công ty chuyển phát đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Người tiêu dùng mặc nhiên chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái về sử dụng. (Ảnh minh họa)
Ông Trần Tuấn Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Yên Bái cho biết: "Nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ hàng hóa, tài sản, trí tuệ của mình, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại các hội chợ, sự kiện trong tỉnh giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong quý III/2023 cho thấy, tình hình vi phạm trong kinh doanh nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... vẫn còn xảy ra, tuy nhiên mức độ vi phạm và giá trị tang vật vi phạm không cao, không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, không có vụ việc hay hàng hóa nổi cộm.
Hàng hóa vi phạm được phát hiện xử lý gồm: phụ tùng ô tô nhập lậu, mực in máy tính, camera ghi hình; quần áo rằn ri; chân gà, xúc xích; sữa chua túi; súng, kiếm nhựa; bánh kẹo; thịt bò đông lạnh; đầu hút và thuốc lá điện tử; thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (sữa rửa mặt, dầu gội đầu, sữa tắm, dầu ủ tóc, kem chống nắng,...) do nước ngoài sản xuất, là hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng quá hạn sử dụng…
Đáng nói, phần lớn các thông tin được người tiêu dùng và những người buôn bán chân chính cung cấp đều có độ chính xác và tin cậy cao. Tuy nhiên, lượng thông tin do quần chúng cung cấp để phục vụ "cuộc chiến” này còn quá ít. Trong khi đó, các quy định về xử phạt các đối tượng vi phạm còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Đây chính là cơ hội để các đối tượng vi phạm nghiên cứu các kẽ hở của pháp luật để tìm cách đối phó hòng chối tội.
Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa nhà sản xuất và các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, do đó việc kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ cho người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao… Chế tài không đủ mạnh, doanh nghiệp lại bất lực, người dân thì mặc nhiên chấp nhận, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể thành công nếu cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa liên kết chặt chẽ.
Quang Thiều