Đã giải ngân hơn 96,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/10/2023 | 7:36:18 AM

Tính đến hết tháng 9/2023, Chính phủ đã giải ngân hơn 96,4 tỷ đồng theo các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Quyết sách đúng đắn, kịp thời

Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 2 năm triển khai cho thấy việc ban hành Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch Covid-19, được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.

Báo cáo cụ thể kết quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, đến hết tháng 9/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đã đạt hơn 96,4 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57 nghìn tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng.

Với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động.

Chính phủ cũng đã phân bổ chi tiết hơn 166 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình trong kế hoạch các năm 2022, 2023, góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn...

Về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được thực hiện tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra; công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai, trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo; việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp so với quy mô nguồn lực được giao; triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt; phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023…

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 43. Về sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết và bố trí số vốn gần 3.000 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành y tế.

Đồng thời Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2024; giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Làm rõ trách nhiệm trong việc chậm triển khai chính sách

Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Trước các hạn chế đã được nêu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. 

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về kết quả thực hiện các chính sách tại Nghị quyết 43, đối với chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao, song đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đạt khoảng 28,9%; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 10,8%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 21,9%...

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này.

Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết 43 và Luật Ngân sách nhà nước.

Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của Chương trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 43 trong thời gian còn lại của Nghị quyết (đến hết ngày 31/12/2023), bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đã đặt ra.

(Theo NDO)

Các tin khác

Chiều 23/10, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty TNHH Lucavi tổ chức Hội nghị ký kết hợp đồng cung ứng phân bón Lucavi trả chậm cho hội viên nông dân nhằm giúp các hội viên sử dụng phân bón hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và cải tạo đất.

Xăng tăng giá từ 15h chiều nay

Từ 15h hôm nay 23/10, giá xăng E5 RON92 tăng 458 đồng/lít, xăng RON95 tăng 469 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng từ 79 đồng đến 375 đồng/lít,kg.

Đại Minh hiện có trên 400 ha bưởi đặc sản với sản lượng gần 5.000 tấn, đem lại nguồn thu trên 50 tỷ đồng mỗi năm cho người dân trong xã.

Bước vào giai đoạn xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu với những yêu cầu cao hơn về các tiêu chí, xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân “làm đến đâu chắc đến đó”, phấn đấu cán đích NTM kiểu mẫu trong năm nay.

Giá vàng giảm vào đầu tuần.

Giá vàng thế giới đi xuống đã khiến giá kim loại quý trong nước giảm đến 300.000 đồng/lượng, tuột khỏi mốc 71 triệu đồng/lượng vào sáng đầu tuần 23-10.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục