Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/10/2023 | 9:12:20 AM

Trước những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng
Việt Nam tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng

Kinh tế bên ngoài biến động

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, thách thức nhiều hơn so với dự báo như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraina gay gắt, gần đây là xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ quý I tăng 1,8%, quý II tăng 2,6%; tương ứng EU tăng 1,1% và 0,5%; Nhật Bản tăng 2,0% và 1,6%; Hàn Quốc tăng 0,9% và 0,9%; Singapore tăng 0,4% và 0,5%; Thái Lan tăng 2,6% và 1,8%… Riêng Trung Quốc quý I tăng 4,5% và quý II tăng 6,3%.

Trong khi đó, lạm phát neo ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Tính chung từ đầu năm đến 15/10/2023, trên thế giới có 145 lượt tăng và 52 lượt giảm lãi suất; trong đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất tiền gửi 6 lần, lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 1999; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 4 lần, lên 5,25 -5,5% trong tháng 7/2023, cao nhất trong 22 năm qua; Ngân hàng Trung ương Anh (BOA) tăng lãi suất 5 lần, lên 5,25%, cao nhất trong 15 năm qua…

Nợ công toàn cầu tăng mạnh. Theo Báo cáo tháng 7/2023 của Liên Hợp quốc, nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92 nghìn tỷ USD, 59 quốc gia đối mặt với mức nợ cao, 52 quốc gia đang tiến gần đến vỡ nợ.

Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro như một số ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ sụp đổ. Trong tháng 8/2023, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của 10 ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tại Mỹ, cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của 06 ngân hàng lớn; tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc) phá sản, tập đoàn bất động sản Country Garden (Trung Quốc) đứng trước nguy cơ vỡ nợ…

Hơn nữa, hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới nhất của IMF (tháng 10/2023), dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 toàn thế giới là 3%; các nước đang phát triển và mới nổi là 4%; Thái Lan là 2,7%, Malaysia là 4%, Singapore là 1%, Trung Quốc là 5%, Indonesia là 5%, Philipine là 5,3%; Mỹ là 2,1%, EU là 0,7%, Nhật Bản là 2%, Hàn Quốc là 1,4%... Năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Điểm sáng

Nhắc lại bối cảnh thế giới như trên để thấy, kinh tế xã hội trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu, như IMF nhận định.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.

Trong đó, GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%, quý III tăng 5,33%, ước cả năm đạt trên 5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Ước cả năm khoảng 3,5% (chỉ tiêu Quốc hội giao là khoảng 4,5%).

Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 496,3 tỷ USD; xuất siêu 21,64 tỷ USD; cả năm ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu trên 6,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 726,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 38% so với kế hoạch vốn năm 2022.

Nếu tính cả kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang thì tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 khoảng 816 nghìn tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Môi trường ổn định mới tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu đầu tiên tại xã Minh Quân.

Người xưa có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng" - ý nói nghề trồng dâu nuôi tằm rất là vất vả, bận rộn. Nhưng câu chuyện ấy nay đã xưa rồi với một minh chứng sống động từ Minh Quân - vùng dâu mới gia nhập "tập đoàn dâu tằm tơ" hùng hậu của huyện Trấn Yên.

Anh Hoàng Văn Khương ở thôn Bến Muỗm, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (bên phải) giới thiệu các tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ.

Chiếm gần 22% dân số và gần 38% lực lượng lao động trong toàn tỉnh, thời gian qua, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển các ngành nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 25/10, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương, các thương vụ, tổ chức XTTM Việt Nam tại nước ngoài tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM.

Nguồn điện EVN nắm giữ trực tiếp chỉ chiếm 11%.

Thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cơ cấu nguồn điện Việt Nam đã có sự thay đổi lớn khi EVN chỉ còn nắm giữ khoảng 37% nguồn điện (gồm trực tiếp và gián tiếp).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục