Chuyển động nông thôn mới ở Nậm Khắt

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/10/2023 | 7:37:41 AM

YênBái - Gặp chúng tôi tại trung tâm huyện Mù Cang Chải, đồng chí Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt hồ hởi: "Nậm Khắt bây giờ khác xưa nhiều. Các công trình phúc lợi xã hội như: điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...". Những thông tin ngắn này, đã thôi thúc tôi đến với Nậm Khắt.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng su su, bí xanh cho người dân Nậm Khắt.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng su su, bí xanh cho người dân Nậm Khắt.


Tiết trời cuối thu khoác lên không gian cao nguyên Nậm Khắt mầu xanh của rừng thông, của ngô và màu vàng lúa chín. Dọc hai bên đường vào xã, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét của vùng quê nghèo khó ngày nào. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn NTM trong năm 2023.  Trong thời gian triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Nậm Khắt đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế của địa phương để tổ chức quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. 

Theo đó, Nậm Khắt mạnh dạn chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa sang trồng hoa hồng và rau cải mầm đá

Chị Lý Thị Mỷ ở bản Páo Khắt phấn khởi cho hay: "Từ ngày làm ở Hợp tác xã (HTX) Hoa Hồng Nậm Khắt, kinh tế gia đình mình khá hơn trước rất nhiều. Hàng tháng, mình vừa có tiền cho thuê đất lại vừa có tiền làm thuê cho HTX. Bà con ở đây, nhiều người có việc làm, có tiền để mua sắm đồ đạc trong nhà nên ai cũng vui và tích cực đi làm”. 

Ngành nghề công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển, tập trung vào các ngành nghề chính có thế mạnh của địa phương trên cơ sở phát huy nghề truyền thống như: đúc lưỡi cày, làm bút vẽ sáp ong, rèn nông cụ, đồ gia dụng, thuê dệt thổ cẩm và chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ... 

Ngoài việc quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế, UBND xã đã phối hợp với ngành chuyên môn triển khai thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các nghề: chế biến nông sản, kỹ thuật trồng nấm, lúa, hoa, rau an toàn, chăn nuôi lợn bản địa, gà đen đặc sản, ong và xây dựng, sửa chữa thiết bị, máy nông cụ, xe máy, điện dân dụng, gò hàn, may mặc... 


Với sự nỗ lực triển khai thực hiện chương trình XDNTM với từng bước đi vững chắc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, nhận thức của đội ngũ cán bộ xã, bản được nâng lên rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi tích cực. 

Đến thời điểm hiện tại, xã Nậm Khắt đạt 11/19 tiêu chí NTM; có 2 bản đạt 9/15 tiêu chí gồm: bản Cáng Dông và bản Lả Khắt; 2 bản đạt 8/15 tiêu chí gồm Páo Khắt, Xua Lông và 1 bản đạt 7/15 tiêu chí là bản Pú Cang. 

Lãnh đạo UBND huyện Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trồng cây rau cải đặc sản địa phương. 

Ông Giàng A Chua - người dân Nậm Khắt phấn khởi bày tỏ: "Tôi thấy chương trình XDNTM rất là ý nghĩa, thiết thực. Đường sá sạch đẹp, trường học được xây dựng khang trang, tạo điều kiện học tập rất tốt cho con cháu. Xã Nậm Khắt được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhất là có sự đồng lòng của người dân”.

Ông Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã đã xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định của sự thành công. Đặc thù là xã vùng cao, chủ yếu là bà con dân tộc Mông nên phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân được địa phương triển khai theo hướng "cầm tay chỉ việc”. 

Hướng tuyên truyền là để bà con hiểu mình phải là chủ thể "mình làm, mình hưởng" để không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại quá nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước. 

Qua đó, bà con sẽ tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt; tiêu biểu như xây dựng đường bê tông nội đồng, cứng hóa kênh mương; xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, khuôn viên; làm đường điện "Thắp sáng đường quê"; xóa đói giảm nghèo; cải thiện an ninh trật tự ở các khu dân cư... 

Cùng đó, bằng việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất, tổ chức quy hoạch thành các vùng hàng hóa tập trung; nhiều tập quán canh tác lạc hậu đã được bà con thay thế bằng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến.

Với 3 HTX nông nghiệp và 28 mô hình liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất rau màu các loại, trồng cây ăn quả.

Tuy vậy, các đồng chí lãnh đạo xã Nậm Khắt cũng cho biết, mặc dù công tác XDNTM đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do một số thành viên Ban Quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM chưa thường xuyên quan tâm đến nhiệm vụ được phân công, nhất là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện XDNTM tại các bản và đâu đó vẫn có những người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. 

Thực hiện những nội dung công việc hàng ngày như: dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm… chưa thật sự đạt được như mong muốn. Sản xuất nông nghiệp dễ bị tác động của thiên tai, dịch bệnh; chất lượng, hiệu quả, quy mô sản xuất chưa nhiều; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất phát triển chậm; công tác xã hội hóa thu hút vốn đầu tư thực hiện chương trình XDNTM gặp nhiều khó khăn. 

Theo kế hoạch, xã phấn đấu trong năm nay hoàn thành 8 tiêu chí còn lại để về đích NTM. Bởi vậy, từ nay đến hết năm, xã tập trung chỉ đạo người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phân loại, xử lý rác thải, nước thải tại hộ gia đình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tăng thu nhập; quan tâm phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương; chỉ đạo 5 bản còn lại tích cực hoàn thành các tiêu chí xây dựng bản NTM; quan tâm chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng... 

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: với nhiều cách làm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả thời gian qua, Nậm Khắt cùng một số địa phương trong huyện không chỉ dần phá vỡ những rào cản trong công tác giảm nghèo, thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần XDNTM mà hơn hết, còn khơi dậy, thôi thúc, nhân lên sức mạnh đoàn kết trong từng người dân để XDNTM hiệu quả. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng xã Nậm Khắt nói riêng, huyện Mù Cang Chải nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Quang Thiều

Tags Nậm Khắt Mù Cang Chải nông thôn mới kết cấu hạ tầng NTM

Các tin khác
Người dân đến Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Yên Bái mua sắm.

Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang chủ động tăng dự trữ nguồn hàng và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, tăng trưởng doanh thu dịp cuối năm.

Mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Giàng A Châu, thôn Trung Tâm, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Tận dụng lợi thế nguồn nước, khí hậu, nhiều địa phương của Yên Bái đã khuyến khích, triển khai xây dựng các mô hình nuôi cá tầm. Từ manh nha một vài mô hình, đến nay nghề nuôi cá tầm đã hình thành chuỗi liên kết, trở thành sản phẩm OCOP, mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.

Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt- Trung năm 2023 có chủ đề “Phát huy vai trò cầu nối Lào Cai, Vân Nam – thúc đẩy hợp tác toàn diện, phát triển bền vững”

Từ ngày 10 đến 15/11/2023 tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Kim Thành, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai sẽ diễn ra Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023.

Thông tư mới quy định, ngay sau khi kết thúc việc giao, nhận vàng miếng, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch để thực hiện thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Từ ngày 27/11/2023, một số quy định liên quan đến quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó có việc thông báo kết quả giao dịch, mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước vừa được sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục