Đây chính là thời điểm nhìn lại, phân tích các diễn biến và yếu tố để "gạn đục khơi trong” khai thác tối đa cơ hội, lợi thế, nhằm gia tăng xuất khẩu một cách bền vững, hiệu quả vào thị trường lớn, có sức mua hàng đầu thế giới này.
Những tác động tích cực
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, kết quả thực thi EVFTA đã được tổng kết, đánh giá để có góc nhìn toàn diện, thấu đáo. Dù đối diện không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực trong bối cảnh dịch Covid-19, EVFTA vẫn được coi là nỗ lực to lớn của Việt Nam trong hội nhập. Cụ thể hơn, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho biết, hàng Việt có cơ hội hiện diện tại thị trường EU với nhiều ưu đãi, nhất là về thuế suất. EU đã xóa bỏ 85,6% thuế nhập khẩu đối với hàng Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đương nhiên, một khi hàng Việt vào được thị trường "khó tính” này tức là đủ đẳng cấp xuất khẩu đi khắp thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam luôn chiếm vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương. Đơn cử, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu gần 24 tỷ USD giá trị hàng hóa vào EU. Tác động từ EVFTA cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể thu hút đầu tư của Việt Nam, nhờ nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực.
Theo tính toán sơ bộ, EVFTA thúc đẩy Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng từ 4,57% lên 5,3% trong giai đoạn 2018-2024 và tăng từ 7,07% lên 7,72% trong giai đoạn 2029-2033.
EVFTA còn mang lại cơ hội để cải thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là làm cho nội dung quy định, luật, văn bản hướng dẫn… ngày càng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và tương thích với thông lệ quốc tế. Kết quả phân tích cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
Chủ động các giải pháp
Để gia tăng xuất khẩu vào EU, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao sức cạnh tranh, tập trung cải cách hành chính thực chất và hiệu quả; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến về EVFTA. Các bộ, ngành cũng đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA...
Nhưng thực tế cũng cho thấy, việc thực thi EVFTA thời gian tới không hề dễ dàng với doanh nghiệp khi thị trường này áp dụng hàng rào kỹ thuật xanh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những sức ép này buộc doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi xanh nếu không mất thị phần tại thị trường giàu sức mua hàng đầu thế giới này. Đặc biệt, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đưa định giá carbon áp với các sản phẩm xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 1-10 đối với một số lĩnh vực sản xuất phát thải nhiều carbon.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu doanh nghiệp lựa chọn nguyên liệu thân thiện môi trường. Liên quan đến bảo tồn nguồn tài nguyên biển, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải đạt các chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, không tham gia hay mua bán sản phẩm đánh bắt trái phép, sử dụng công cụ gây hại cho sinh vật biển.
Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang, tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Đến nay, gần 70% doanh nghiệp đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm; gần 80% doanh nghiệp biết Luật Chống phá rừng của EU; gần 60% doanh nghiệp biết đến chiến lược sản xuất xanh của ngành Dệt may… Đây là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ dài hạn và duy trì thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của đối tác, nhưng qua đó doanh nghiệp sẽ trưởng thành, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế kết hợp gia tăng sức chống chịu và thích ứng để tồn tại trước những bất lợi từ bên ngoài.
Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng sản xuất, gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm thỏa mãn yêu cầu từ nhà nhập khẩu quốc tế. Đơn cử, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang duy trì tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, tổ chức sản xuất thử nghiệm mặt hàng đạt tiêu chuẩn xanh. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng tự nâng cao khả năng dự báo, tiếp thị, xác lập năng lực ứng phó khi xuất hiện tình huống bất lợi; cập nhật tình hình và có phương án xử lý các tranh chấp trong bối cảnh tranh chấp, khiếu kiện có xu hướng gia tăng cùng với sự bảo hộ tại một số thị trường thành viên EU…
(Theo HNM)