Do không có nghề ổn định, nên ngoài sản xuất lúa nước thì gia đình ông Tráng A Dê ở thôn Ao Ếch phải làm đủ việc từ phụ xây, phát cỏ, trồng quế thuê... để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Năm 2023, ông Dê quen được một hộ dân ở thôn Ngòi Lẫu có mảnh nương mới trồng quế, song cần tìm người trồng sắn xen quế để kết hợp làm cỏ quế.
Thấy vậy, vợ chồng ông Dê mạnh dạn nhận trồng một vụ sắn xen quế để giúp chủ nương tiện chăm sóc quế. Sau gần một thời gian trồng, chăm sóc, vừa qua, ông Dê đã thu về gần 70 triệu đồng từ sắn trồng xen trong nương quế.
Ông Dê phấn khởi chia sẻ: "Nhờ nương mới, đất có độ phì cao nên sắn tốt. Bên cạnh đó, gia đình cũng đầu tư nhiều phân bón, trồng chăm sóc bảo đảm theo tiêu chuẩn kỹ thuật nên năng suất sắn đạt cao. Năm nay giá sắn cao hơn nên gia đình tôi đã có được một vụ sắn bội thu và giá trị kinh tế bằng công đi làm thuê cả năm. Tôi thấy, nếu giá sắn cứ ổn định như mùa vụ năm nay thì người trồng sắn chúng tôi có thể vươn lên thoát nghèo”.
Năm 2023, tổng diện tích sắn của xã Châu Quế Thượng 500 ha, dự ước năng suất trung bình đạt 22 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng trên 11.000 tấn, thu về trên 22 tỷ đồng cho người trồng sắn. Đặc biệt, năm 2023, Châu Quế Thượng còn thực hiện mô hình "Sản xuất sắn bền vững trên đất dốc theo chuỗi giá trị” do Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên và UBND xã Châu Quế Thượng tổ chức với diện tích 20 ha tại thôn Đồng Tâm nhằm giúp người dân có góc nhìn mới trong chuyển đổi giống sắn cũng như quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình sử dụng giống sắn BK - giống sắn mới được Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu và chọn tạo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo Quyết định số 212/QĐ-BNN-TT, ngày 14 tháng 1 năm 2019. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất sắn bền vững trên đất dốc, tuân thủ thời vụ trồng, mật độ trồng, lượng phân bón và biện pháp canh tác bền vững chống xói mòn thì mô hình đã cho kết quả là năng suất củ tươi đạt 42 tấn/ha; lợi nhuận đạt khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ theo giá sắn ổn định như hiện nay.
Cùng chung niềm vui, ông Triệu Văn Tài ở xã Lâm Giang phấn khởi: "Gia đình tôi có hơn 1 ha đồi trồng cây bồ đề, trẩu. Năm vừa qua, tôi khai thác xong mới trồng lại quế nên tôi cũng trồng xen sắn với quế để tiện chăm sóc cả sắn và quế. Cũng may, năm nay giá sắn cao, nhổ cân tại nương được giá 1.900 đồng/kg nên thu vụ sắn này tôi thu gần 40 triệu đồng mà chỉ mất công chăm sóc có một lần. Trong khi đó, vụ cây vừa mới khai thác trước đó cũng chỉ bán được hơn 70 triệu đồng mà thời gian chăm sóc kéo dài hơn 5 năm. Tôi thấy, nếu giá sắn cứ ổn định như năm nay thì những nhà có từ 2 đến 3 ha đất đồi để canh tác sắn là mỗi năm có thể thu tiền trăm triệu đồng”.
Cây sắn từng là cây trồng chủ lực của các xã vùng thượng huyện Văn Yên từ hơn chục năm về trước. Song, do phương pháp canh tác không bền vững, nên sau nhiều năm đất bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến, bạc màu và phần vì cơ cấu giống chủ yếu là giống sắn KM94 đã trồng gần 20 năm, giống sắn BK900 đã trồng gần 10 năm qua đã bị thoái hóa, khả năng chống chịu sâu bệnh thấp nên năng suất giảm. Đồng thời, giá cả mấy năm gần đây cũng thấp nên người dân đã chuyển dần sang trồng thay thế bằng cây lâm nghiệp vào diện tích canh tác sắn.
Hiện nay, diện tích sắn của toàn huyện Văn Yên khoảng 4.000 ha, với hơn 5.000 hộ trồng. Với giá sắn như năm nay thì cây sắn đã đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của huyện, nhất là tăng thu nhập cho những hộ trồng sắn. Đây là động lực để người dân duy trì trồng sắn, góp phần đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động chế biến tinh bột sắn của Nhà máy Sắn Văn Yên.
Châu Á