Yên Bái: Bưởi "tiến vua" mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/11/2023 | 8:24:31 AM

YênBái - Được coi là vùng đất “thủy tổ” cây bưởi của Yên Bái, bưởi Khả Lĩnh từng bước xác lập thương hiệu trên thị trường, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho nhiều hộ dân huyện Yên Bình và Yên Bái.

Thu hoạch bưởi tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Thu hoạch bưởi tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Được coi là vùng đất "thủy tổ” cây bưởi của tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc cây bưởi theo hướng hữu cơ và chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quả bưởi đã được nâng tầm về chất lượng và mẫu mã.

Từ đó, từng bước xác lập thương hiệu bưởi Khả Lĩnh trên thị trường, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân vùng bưởi huyện Yên Bình và cả tỉnh Yên Bái.

Giống bưởi Khả Lĩnh có nguồn gốc từ những cây bưởi cổ thụ hàng trăm năm tuổi được trồng ở thôn Khả Lĩnh thuộc xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Nhiều đời qua, người dân nơi đây rất đỗi tự hào vì có giống bưởi mọng nước, vị thanh, ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng, tương truyền từ xưa đã được dùng để tiến vua. Do vậy, để duy trì được chất lượng, sản lượng và từng bước cải thiện được mẫu mã quả bưởi là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, cho biết nhiều lớp tập huấn đã được tổ chức nhằm trang bị cho hộ dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc chăm sóc cây bưởi, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng vườn bưởi thông thoáng, sạch đẹp phát triển theo hướng hữu cơ. Giống bưởi Khả Lĩnh có đặc tính khá độc đáo, đó là cây bưởi càng lớn tuổi thì càng quý, chất lượng quả càng thơm ngon.

Đã trở thành thông lệ, hàng năm huyện Yên Bình tổ chức Hội thi cây bưởi đẹp, vườn bưởi đẹp, đây không chỉ là dịp tôn vinh giá trị cây bưởi đặc sản mà còn là dịp để người trồng tiếp tục giao lưu, học hỏi về kỹ thuật canh tác; trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bưởi ở mỗi thời kỳ, đảm bảo chất lượng và sản lượng đạt cao nhất.

Sở hữu vườn bưởi trên 200 gốc với những cây bưởi từ 30 năm tuổi trở lên, ông Nguyễn Văn Thông, thôn Minh Thân, xã Đại Minh, chia sẻ gia đình thường xuyên theo dõi tránh để các loại côn trùng, sâu rầy tấn công phá hoại, kết hợp với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn chéo cho cây. Đặc biệt là khâu làm đất, xẻ rãnh để cây không bị ngập nước và xác định đúng tỷ lệ phân bón theo từng giai đoạn phát triển. Qua mỗi mùa thi, ông Thông cố gắng cho ra những sản phẩm mới độc đáo, chất lượng không ngừng được nâng lên, xuất bán cũng dễ dàng và được giá hơn.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ để người dân phát triển vùng cây bưởi đặc sản, thế hệ đi trước nơi đây luôn sẵn sàng trao truyền bí quyết, kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cho thế hệ. Tuy nhiên, để nâng cao trình độ canh tác, áp dụng công nghệ tiến tiến giảm thiểu phụ thuộc vào thời tiết, rất cần sự chung tay, đồng hành của các nhà khoa học.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh, cho biết địa phương mong nhận được sự quan tâm của nhà khoa học, viện nghiên cứu để ngày càng nhiều vườn bưởi kiểu mẫu, hữu cơ... Nhất là việc chăm sóc hàng nghìn cây bưởi có tuổi đời hàng trăm năm đã có dấu hiệu già cỗi đang rất cần những kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để giữ lại cây bưởi quý và nguồn gene lâu dài.

Hiện giống bưởi Khả Lĩnh được trồng khắp tỉnh với diện tích hàng nghìn hecta; trong đó, huyện Yên Bình có diện tích lớn nhất, hơn 1.200ha. Năm nay, chỉ tính riêng sản lượng bưởi tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình ước đạt 53.000 tấn, cho tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng. Sản phẩm bưởi Khả Lĩnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (Chương trình "mỗi xã một sản phẩm") từ nhiều năm nay, có mặt tại siêu thị, nhà hàng của các địa phương trong cả nước.

Xác định bưởi Khả Lĩnh là một trong những cây trồng chủ lực với sản lượng lớn, tỉnh Yên Bái đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để khuyến khích hình thành mối liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị. Từ đó, hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đáp ứng cho thị trường lớn hướng tới xuất khẩu; đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn cho hoạt động chế biến sâu.

Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Bình, chia sẻ hiện nay liên kết hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm diễn ra khá phổ biến giữa người dân và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hộ dân từ đầu vụ, đồng thời ứng trước vật tư, phân bón, tư vấn kỹ thuật thu hoạch và bảo quản cho hộ trồng. Việc liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được đại đa số hộ trồng bưởi tham gia, hưởng ứng.

Sau nhiều nỗ lực, tháng 12/2016, Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh” cho giống bưởi Khả Lĩnh của huyện Yên Bình. Không chỉ vậy, huyện Yên Bình cũng đề cao việc quản lý chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh thông qua bộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giúp người dân làm giàu từ cây bưởi.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Hợp tác xã đặc sản bưởi Đại Minh, chia sẻ đến nay hợp tác xã đã có 12 thành viên sản xuất và kinh doanh bưởi, mỗi vụ xuất bán ra thị trường trên 300 tấn. Đồng hành cùng hộ trồng từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch, sản phẩm bưởi của hợp tác xã luôn duy trì chất lượng cao, đạt chất lượng OCOP 3 sao theo hướng hữu cơ. Trước khi xuất bán cho các siêu thị, thương lái, hợp tác xã kiểm tra, phân loại A, B, C từng trái theo mẫu mã, độ đường, cân nặng, độ tươi ngon… và dán nhãn.

Tính riêng địa bàn huyện Yên Bình đã có 12 hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh bưởi theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, sản phẩm OCOP bưởi Khả Lĩnh được chào bán trên sàn thương mại điện tử, mạng Facebook, Zalo, qua webside của các doanh nghiệp và đã có mặt tại hội trợ triển lãm hàng nông sản nhằm liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Trong thời gian tới, với những định hướng, hỗ trợ cụ thể phát triển cây bưởi của tỉnh Yên Bái, sản phẩm bưởi Khả Lĩnh sẽ có đủ yếu tố để phát triển thành thương hiệu mạnh, hướng tới chế biến sâu và sớm vươn ra thị trường ngoài nước, giúp hàng nghìn hộ trồng vươn lên làm giàu; đóng góp thiết thực xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Giá vàng nhẫn lập kỷ lục giá mới.

Chiều nay 25/11, giá vàng nhẫn đã thiết lập kỷ lục mới khi đạt 61,65 triệu đồng/lượng, đắt nhất lịch sử.

Sáng 25/11, được sự ủy quyền, lãnh đạo UBND huyện Lục Yên trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 cho  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Tiến

Trở về Minh Tiến đúng vào ngày địa phương này tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. Chưa bao giờ Minh Tiến rộn ràng đến thế: đường làng ngõ xóm trang hàng cờ hoa rực rỡ, người dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi! Chắc chắn rồi, họ vui bởi từ một xã “top dưới” của huyện Lục Yên nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, mục tiêu đạt chuẩn NTM của Minh Tiến đã thành hiện thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ sẽ tập trung phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; ai làm tốt nhất thì giao làm.

Cuối tuần, giá vàng tiếp tục lập đỉnh. (Ảnh minh họa)

Phiên giao dịch ngày 25/11, giá vàng trong nước tiếp tục lập đỉnh cao mới. Trong đó, giá vàng miếng SJC hướng tới mốc 72 triệu đồng/lượng, giá nhẫn tròn trơn vượt 61 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục