Trầm trọng nhất là đoạn qua Đèo Thao thuộc thôn Tân Tiến xã Cảm Ân có rất nhiều "ổ gà”, "ổ voi”, có nơi rộng khoảng 1m, sâu từ 5- 10cm. Đáng lo là nhiều "ổ gà”, "ổ voi” do lâu ngày ít được duy tu, sửa chữa nên trơ đá lổn nhổn. Cùng đó, rãnh thoát nước 2 bên đường đã bị san lấp do mưa nhiều, nên khi trời mưa không khác gì cái bẫy với người tham gia giao thông. Vì vậy, ở đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - thôn Tân Tiến, xã Cảm Ân, nhà ngay chân Đèo Thao cho biết: "Cứ vài hôm lại có 1 vụ tai nạn. Mới cách đây 1 tuần, gia đình tôi phải hỗ trợ 2 người tự ngã xe. Hôm đó, buổi tối, vừa ăn cơm xong thì tôi nghe tiếng người kêu cứu. Tất cả mọi người trong nhà chạy ra đỡ người bị nạn vào nhà lau rửa vết thương. Người bị nạn máu mồm mũi chảy nhiều, súc miệng, chị đó còn nhặt được cả răng của mình. Rồi chị bán cá đi chợ sớm, ngã gãy chân tại đây..., chúng tôi cũng đã hỗ trợ đưa ra trạm xá. Còn học sinh ngã sứt sát là chuyện như cơm bữa”.
Nhà ở trung tâm xã Cảm Ân buôn bán đồ điện tử nhưng anh Tống Cảnh Thành cũng vô cùng ngao ngán khi có việc phải di chuyển qua tuyến đường này. Anh Thành cho biết: "Nếu như trước đi qua đoạn đường này chỉ mất 10 phút thì giờ đường khó, tôi phải mất nửa tiếng, lại rất sợ vì không an toàn giao thông. Chỉ mới cách đây nửa tháng, nhân viên của tôi đi giao tivi qua con đường này bị ngã vỡ gây thiệt hại về kinh tế, anh ấy còn bị ngã đau”.
Đoạn đường từ xã Cảm Ân, huyện Yên Bình đi xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông qua đây, nhất là khi trời mưa thì mặt đường trơn trượt với những "ổ gà”, "ổ voi”, còn trời nắng thì bụi.
Ông Hoàng Thế Anh, Trưởng thôn Tân Tiến cho hay: "Toàn thôn có gần 200 hộ với gần 800 nhân khẩu. Hàng trăm đứa trẻ đến trường mỗi ngày mà con đường đã nhiều năm không được sửa chữa, nâng cấp, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và đi học của các cháu vô cùng khó khăn. Rất nhiều người bị ngã trên đường này vì những "ổ gà”, "ổ voi” và đá lởm chởm, nhiều xe tải, máy xúc bị lật... ảnh hưởng đến cả đời sống và phát triển kinh tế của người dân. Chỉ mong đường sớm được tu sửa để tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra cũng như giúp việc lưu thông hàng hóa, đi lại của bà con thuận tiện hơn”.
Đoạn Đèo Thao rất khó qua lại ngay cả phương tiện xe máy số.
Tìm hiểu được biết, đường Cảm Ân đi xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2010, mặt đường rải nhựa, rộng 5m tạo thuận lợi giao thông cho nhân dân trong xã cũng như việc giao lưu, mua bán trao đổi hàng hóa giữa xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên với xã Cảm Ân và các xã khu vực tuyến đường 7 (tức quốc lộ 70) qua hai huyện Yên Bình, Lục Yên. Lưu lượng hàng hóa nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng... được vận chuyển qua tuyến đường này mỗi ngày là rất lớn.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm sử dụng, đoạn qua xã Tân Đồng có chiều dài gần 10km đã được nâng cấp, sửa chữa, còn đoạn qua xã Cảm Ân thì chưa có "đụng chạm" lần nào. Từ năm 2018 đến nay, tuyến đường càng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn sạt lở, bong tróc, hiện tại chỉ có phương tiện xe máy có thể di chuyển còn ô tô rất khó, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng... của người dân hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, giữa các xã khu vực đường 7 với xã Tân Đồng và các xã lân cận khác của huyện Trấn Yên.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch UBND xã Cảm Ân cho biết, tuyến đường từ xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên đến trung tâm xã Cảm Ân là tuyến đường huyết mạch giúp người dân vận chuyển hàng hóa nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng, học sinh đến trường. Tuyến đường xuống cấp, mỗi năm xã tổ chức dặm vá và phát dọn nhưng do thời tiết mưa nhiều nên hư hỏng vẫn tái diễn. Vì vậy, xã đã kiến nghị tỉnh, các sở, ngành và huyện Yên Bình quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn đường Cảm Ân đi Tân Đồng. Rất mong ngành chức năng liên quan sớm có phương án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường để thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương của người dân và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Minh Huyền