Thời điểm 10h05, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,4 - 73,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không có biến động so với phiên trước đó.
Giá vàng miếng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng đi ngang, giao dịch ở mức 72,45 - 73,58 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh giảm giá vàng miếng SJC 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra và giữ nguyên giá mua vào. Hiện giá vàng giao dịch ở mức 72,4 - 73,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn tròn trơn sáng nay giảm nhẹ 50.000 đồng mỗi chiều, giao dịch tại mức 61,25 - 62,35 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong tuần, giá vàng SJC liên tục biến động. Mức giá cao nhất vào ngày 29/11 lên tới 74,6 triệu đồng/lượng, mức cao nhất lịch sử. Tuy nhiên khi đạt ngưỡng này, giá vàng SJC đã quay đầu đi xuống. Tính chung 5 phiên gần đây, giá vàng SJC tại các doanh nghiệp vẫn tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 2.041 USD/ounce, giảm 2 USD so với cùng thời điểm phiên trước. Khi quy đổi theo tỷ giá USD trong nước, kim loại quý này xấp xỉ 60,09 triệu đồng/lượng, thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 13,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới được điều chỉnh giảm nhẹ sau khi kim loại quý này chạm mốc cao nhất trong vòng 7 tháng. Sự phục hồi vững chắc của chỉ số US Dollar Index cũng tác động tiêu cực đến thị trường kim loại quý.
Dù giảm nhưng kim loại quý này đã thành công khi kết thúc tháng 11 trên 2.000 USD/ounce. Các chuyên gia của TD Securities cho rằng, có thể đây chỉ là khởi đầu cho đà tăng bền vững trên 2.100 USD/ounce trong năm 2024 của vàng khi những trở ngại từ sức mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu cao giảm dần.
Trong báo cáo triển vọng vàng năm 2024, các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng Canada này cho biết, họ dự đoán giá vàng sẽ đạt trung bình khoảng 2.019 USD/ounce trong năm 2024. Mặc dù lạc quan về vàng trước thềm năm mới, nhưng các chuyên gia cũng khuyên các nhà đầu tư phải kiên nhẫn. Các nhà phân tích dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 2.100 USD vào quý II năm sau.
Theo các nhà phân tích, lạm phát đã giảm mạnh so với mức cao nhất trong 40 năm được ghi nhận vào tháng 6/2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% FED đặt ra.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng FED bóp nghẹt nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát càng lâu, khả năng suy thoái kinh tế sẽ càng nghiêm trọng. Một số đơn vị chuyên về phân tích đưa ra dự báo kịch bản nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào quý II/2024, buộc ngân hàng trung ương phải cân nhắc cắt giảm đáng kể lãi suất.
Trong khi chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu của nhà đầu tư, TD Securities cho biết thị trường sẽ vẫn được hỗ trợ tốt vì họ kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng vào năm 2024.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đang trên đà đạt hoặc thậm chí xô đổ kỷ lục của năm 2022. Vào đầu tháng 11, WGC cho biết các ngân hàng trung ương đã mua hơn 800 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm. Trung Quốc, Ba Lan, Singapore và Ấn Độ là các nước dẫn đầu trong việc bổ sung vàng.
Các chuyên gia phân tích của Société Générale cho rằng, dù lãi suất đang ở mức cao, nhưng nhu cầu mua vàng mạnh từ các ngân hàng trung ương là yếu tố giúp vàng ổn định và sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực kim loại quý trong thời gian tới.
Cũng theo các chuyên gia, vàng vẫn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn do lo ngại liên quan đến căng thẳng địa chính trị.
Các nhà phân tích của SocGen đánh giá, việc đẩy giá lên trên 2.000 USD là sự khởi đầu của một đợt phục hồi lớn hơn có thể khiến giá vàng lên mức khoảng 2.200 USD/ounce trong năm 2024.
(Theo VTV)