Đơn cử như Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình, thời gian vừa qua, nhiều DN ngành chế biến gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh nhưng Công ty vẫn giữ vững được thị trường.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất từ quý III/2023 khi có thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và đầu năm 2024. Cùng đó, Công ty đã đẩy nhanh quá trình "số hóa”, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, theo tiêu chuẩn để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhờ đó, đến nay Công ty vẫn đang có được những bạn hàng lớn. Hiện tại, Công ty đã đạt mục tiêu của năm 2023, xuất khẩu 25.000 tấn măng các loại, 10.000 m3 gỗ các loại, doanh thu đạt trên 170 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty hiện đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan và đang hướng tới thị trường châu Âu.
Thời điểm này, hơn 600 công nhân của Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đang miệt mài làm việc để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu cuối cùng của năm 2023 và hàng chục đơn hàng mới cho quý I/2024.
Ông Phạm Ngọc Mai - Quản lý nhân sự Công ty cho biết: "Công ty động viên công nhân quyết tâm phấn đấu đáp ứng nhu cầu của các đơn hàng xuất khẩu. Kỳ vọng tháng cuối năm, doanh số cả năm sẽ tăng lên và tăng trưởng đạt trên 30%. Với kết quả này, DN đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau tiếp tục đạt 25% - 30%”.
Theo nhận định của các DN dệt may, năm 2024, ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, để vượt qua thách thức, các DN tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành, hướng đến phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường sản phẩm may mặc.
Đồng thời, các DN phải đa dạng hóa các mặt hàng, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận, tìm hiểu và thâm nhập các thị trường mới; tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia.
Tại Công ty cổ phần An Tiến Industries ở Khu Công nghiệp phía Nam, cả hai nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 và Nhà máy Sản xuất hạt nhựa phụ gia đều đang hoạt động hết công suất. Dự ước năm 2023, tổng doanh thu tiêu thụ đạt trên 903 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt gần 36,5 triệu USD.
Không chỉ các đơn vị nêu trên, hầu hết các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chủ động tìm kiếm đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu sản xuất để tăng tốc cho những tháng cuối năm. Theo đánh giá của ngành công thương, các DN sản xuất công nghiệp đã chủ động quy trình SXKD, nhiều DN đã đạt kết quả SXKD khá khả quan.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023 (theo giá so sánh 2010) đạt 15.337 tỷ đồng, tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99% kịch bản, bằng 90,75% kế hoạch năm. Đây được coi là những tín hiệu tích cực, bước đệm quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.
"Triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều DN thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu DN. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, DN tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới. Bên cạnh việc tận dụng tối đa lực đẩy từ các chính sách của Nhà nước, chính sách tiền tệ, nhiều DN đã linh hoạt trong SXKD, cho ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để duy trì hoạt động một cách bền vững” - ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương nhận định.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất; chỉ đạo các ngành chức năng nắm bắt tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các DN. Cùng đó, đẩy mạnh việc kết nối các DN tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…
Nguyễn Hồng