Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo
Gia đình chị Lộc Thị Chuyên ở thôn 10, xã Mường Lai, huyện Lục Yên được nhận hỗ trợ một con trâu cái sinh sản từ Dự án hỗ trợ trâu cái sinh sản thuộc Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Con trâu 12 tháng tuổi có trọng lượng 183 kg, không có dị tật, được tiêm phòng đầy đủ các các loại vắc xin. Để tham gia Dự án, chị Chuyên đã đầu tư làm chuồng nuôi trâu rộng 6 m2, nền chuồng láng xi măng, mái lợp cọ, có hố thu gom xử lý chất thải. Theo chính sách của Chương trình, gia đình chị Chuyên là hộ nghèo ở thôn đặc biệt khó khăn nên được hỗ trợ 95% kinh phí mua trâu, gia đình đối ứng 5%.
"Nhận được trâu nuôi, gia đình tôi phấn khởi lắm. Gia đình cố gắng chăm trâu thật tốt để phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững. Một năm sau trâu sinh sản, như thế vài năm nữa nhà mình sẽ có một đàn trâu”, chị Chuyên chia sẻ.
Ngay sau khi nhận được trâu, chị Chuyên đã được các cán bộ Trung tâm Dịch vụ và hỗ trợ nông nghiệp huyện, cán bộ nông lâm xã đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trâu, kỹ thuật phòng chống đói, rét cho trâu bò trong những ngày giá rét. "Được cán bộ hướng dẫn, mình đã biết hòa muối vào nước ấm cho trâu uống, bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng. Mình cũng không thả trâu ngoài đồng mà quây bạt, đốt lửa sưởi ấm cho trâu trong ngày giá rét”, chị Chuyên cho biết.
Ông Chu Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: Thực hiện Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã Mường Lai có 18 hộ được nhận hỗ trợ trâu cái sinh sản. Các hộ được nhận trâu đều rất phấn khởi. Để Chương trình được triển khai hiệu quả, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã phối hợp chặt chẽ với xã để lựa chọn đúng đối tượng được hỗ trợ, tuyển chọn trâu giống kỹ lưỡng. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Là hộ nghèo, tháng 1/2023, gia đình ông Nguyễn Quang Ưng, thôn Nà Vài, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên được hỗ trợ một trâu cái sinh sản. Sau khi nhận trâu giống, ông Ưng cùng gia đình chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y. Ông Ưng cho biết: "Trước đây gia đình đã từng nuôi trâu nên giờ cũng đã có kinh nghiệm. Mình cố gắng chăm trâu tốt để phát triển kinh tế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ trâu cho tôi và các hộ nghèo khác ở trong xã”.
Ông Đinh Hồng Cảnh – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết: "Để hỗ trợ trâu cái sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn, xã đã tuyên truyền các hộ được hưởng lợi đứng ra thành lập tổ hợp tác, nhóm cộng đồng để triển khai Dự án. Đây đều là những người nông dân chất phác, chăm chỉ cần cù, lao động nhưng thiếu vốn để đầu tư giống vật nuôi chất lượng, chưa có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi.
Nhóm Tổ hợp tác có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương thực hiện dự án đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, lựa chọn đơn vị cung cấp con giống, tiếp nhận con giống đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời yêu cầu các hộ được hưởng lợi chuẩn bị chuồng trại chăn nuôi và chăm sóc trâu theo yêu cầu kỹ thuật; hỗ trợ người dân thực hiện các bước nghiệm thu, thanh quyết toán các nguồn kinh phí”.
Được biết, huyện Lục Yên được giao tổng kinh phí trên 8,1 tỷ đồng thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng - Dự án hỗ trợ trâu cái sinh sản thuộc Dự án 2 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023. Trong tổng kinh phí 8,1 tỷ đồng, số thực hiện năm 2022 là trên 2,35 tỷ đồng, năm 2023 trên 5,8 tỷ đồng. Năm 2022, huyện phân bổ nguồn vốn cho 6 xã: Minh Tiến, Tân Lĩnh, Khai Trung, Mường Lai, Mai Sơn, Minh Xuân để thực hiện 7 dự án hỗ trợ trâu, bò, giải ngân được trên 2,1 tỷ đồng; trên 200 triệu đồng còn lại xin chuyển nguồn sang năm 2023.
Năm 2023, nguồn vốn phân bổ cho 6 xã: An Phú, Khánh Thiện, Tô Mậu, An Lạc, Động Quan, Trúc Lâu, dự kiến thực hiện 12 dự án hỗ trợ trâu bò cái sinh sản, giải ngân đã đạt 100% số vốn được giao. Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng III được hỗ trợ 95% nguồn vốn đối ứng là 5%; hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng II được hỗ trợ 80%, nguồn vốn đối ứng là 20%; hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng I được hỗ trợ 60%, nguồn vốn đối ứng là 40%.
Đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã nhận được trâu bò hỗ trợ từ dự án có độ tuổi từ 12 tháng trở lên, trọng lượng từ 180 – 200 kg/con, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Các hộ được nhận trâu cái sinh sản đều có chuồng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn, diện tích trên 4 m2, có mái che, nền xi măng cứng, có hố thu gom, xử lý chất thải.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra việc hỗ trợ trâu giống cho hộ nghèo tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên
Để các hộ phát triển chăn nuôi an toàn về dịch bệnh, các ngành yêu cầu các các hộ dân mua con giống ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ một số bệnh truyền nhiễm bắt buộc theo quy định; tuân thủ nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm. Khi nhập gia súc, gia cầm từ địa bàn khác về phải nuôi cách ly khu vực riêng ít nhất 7 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe của vật nuôi. Nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ thực hiện tiêm phòng bổ sung trong thời gian cách ly trước khi nhập đàn, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc tại địa phương.
Hiệu quả từ các nguồn vốn hỗ trợ
Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG, các nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Yên Bái cũng được bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả.
Ông Vàng A Lử, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: "Gia đình mua 10 con trâu, bò và làm chuồng tại với kinh phí 150 triệu đồng; trong đó: Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình đối ứng 120 triệu đồng. Tổng diện tích chuồng là 45m2 . Năm 2022, đàn trâu, bò đã đẻ 2 con, gia đình đã bán 2 con được 22 triệu đồng; giờ vẫn còn 10 con trâu, bò, tạo việc làm cho 1 lao động. Từ sự hỗ trợ này mà gia đình đã trồng thêm được 2 ha cỏ, mở rộng chuồng nuôi trâu, bò, từng bước chuyển từ thả rông sang chăn nuôi trang trại hộ gia đình”.
Được biết, sau 3 năm triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Trạm Tấu có hàng trăm hộ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo "đòn bẩy” thúc đẩy chăn nuôi phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Tính đến hết tháng 12/2023, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Yên Bái có 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tổng kinh phí trên 16,7 tỷ đồng; 42 dự án hỗ trợ phát sản xuất cộng đồng, tổng kinh phí trên 26,1 tỷ đồng.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dự án 2 đã hỗ trợ phát triển sản xuất 1 dự án theo chuỗi giá trị tại huyện Mù Cang Chải, tổng kinh phí thực hiện trên 3,2 tỷ đồng; 53 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Lục Yên, Yên Bình…, tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng.
Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 đã hỗ trợ huyện Mù Cang Chải 2 dự án phát triển sản xuất thực hiện theo chuỗi giá trị, tổng kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng; hỗ trợ 48 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng.
Xuất phát từ điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, trong đó có chính sách từ các Chương trình MTQG.
Ông Trần Xuân Thủy – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhờ thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Yên Bái có tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 12,14% (giảm bình quân 4,93% so với năm 2022, vượt 1,93% so với mục tiêu 3% của Chương trình), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%.
Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 14/28 xã. Số thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn là 25/27 thôn (thuộc xã khu vực I, II đạt chuẩn nông thôn mới), đạt 92,5% so với mục tiêu Trung ương giao. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6/99% mục tiêu Chương trình. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5/90% mục tiêu Chương trình (vượt 3,5%). Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và được nghe đài phát thanh đạt 99,4/100% mục tiêu Chương trình.
Có thể nói, việc triển khai, thực hiện các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó: vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những thay đổi rõ nét, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang có được cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Mạnh Cường
Bài 2: Thay đổi diện mạo nông thôn miền núi