Tập Lăng là thôn người Mông xa nhất của xã Suối Giàng với 120 hộ và gần 600 nhân khẩu. Trong quá khứ, cũng như bao vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, Tập Lăng từng tồn tại nhiều hủ tục cùng với lối sản xuất tự cung tự cấp đã kéo theo cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Nhưng hiện tại, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự cần cù, chịu khó tiếp thu những tư tưởng mới của mỗi người dân, nhiều hủ tục đã được đồng bào loại bỏ, sản xuất, phát triển kinh tế được chú trọng, cơ sở vật chất cơ bản được đầu tư. Trước đây, đường từ trung tâm xã đi Tập Lăng dài tới cả chục cây số là con đường núi dốc nhỏ, gập ghềnh nhưng nay đã được đổ bê tông gần hết. Thôn còn mới có điện lưới quốc gia từ đầu năm 2023.
Nhà của ông Vàng A Tồng có lẽ là ngôi nhà đẹp nhất nhì trong thôn. Từ năm 2021, ông Tồng đã đầu tư làm nhà 1,6 tỷ đồng mà chẳng cần vay nợ. Đó là ngôi nhà xây 2 tầng rộng tới 200 m2, được sơn màu sạch sẽ, hiện đại, bề thế giữa đại ngàn. Tiền đó tất cả là từ bán quế.
Ông Tồng trồng quế từ những năm 1990. Khi ấy, trồng quế với người Mông vẫn là điều gì đó mới lạ vì tập quán canh tác lúa nương và kiếm sống từ rừng vẫn đang phổ biến. Ông Tồng tự nhặt hạt, tự ươm giống, tự tìm hiểu cách trồng và tự chăm sóc. Mỗi năm một ít - cách trồng ấy để có đồi quế như hiện tại. Đến khi những lứa quế đầu tiên được thu bán, thấy hiệu quả, nhà nhà, người người mới bắt đầu trồng quế, phủ xanh những quả đồi trọc lốc, những mảnh lúa nương cằn cỗi.
"Nhà ông Tồng nhiều quế lắm! Phải trên chục héc - ta ấy. Từ quế, ông xây được nhà, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn. Giờ con cái lớn khôn cả rồi, ông ấy lại chia đất quế cho các con lập nghiệp” - Trưởng thôn Tập Lăng - Vàng A Hềnh bảo vậy. Ông Tồng có 3 người con gồm 2 trai, 1 gái và người đang là cô giáo, người công tác trong lực lượng vũ trang, chỉ còn con trai út Vàng A Củ sinh năm 1995 là ở lại quê nhà sau khi học hết cấp II. Sau khi lập gia đình, A Củ được cha chia cho 2 ha quế lấy vốn lập nghiệp.
A Củ chia sẻ: "Mình học không giỏi nên xác định làm nông thôi. Chỉ cần mình chăm chỉ, biết học hỏi thì rồi mình cũng sẽ thành công như anh chị và cho vợ con một cuộc sống tốt đẹp”.
Nghĩ vậy, A Củ chăm chỉ lắm! 2 ha quế bố chia cho, A Củ bóc lấy 1 chút lấy tiền vốn để mua thêm đất trồng quế. Rồi A Củ cũng ươm hạt, trồng quế, nhân rộng thêm 2 ha. Hiện, A Củ có 4 ha quế. A Củ bảo rằng: "3 năm đầu, chủ yếu chỉ cần bỏ công phát cỏ, khoảng 3 - 4 lần/năm và những năm sau chỉ cần 1 - 2 lần/năm thôi. Còn lại, để cây tự sinh trưởng, phát triển. Thỉnh thoảng lên thăm đồi xem cây có sâu bệnh không thôi. Ở nhà thì mình nuôi thêm gà, lợn để phục vụ nhu cầu gia đình. Thỉnh thoảng đi phát cỏ hoặc bóc quế thuê cho người dân trong thôn. Còn tiền bóc tỉa quế hàng năm để chi tiêu vào các việc lớn, còn thừa thì cất đi tiết kiệm”.
Chạc tuổi A Củ còn có Vàng A Tồng B, sinh năm 1993 cũng là một thanh niên chăm chỉ với nhiều tư tưởng tiến bộ. Sau khi có điện lưới quốc gia, A Tồng đã lắp đặt ngay mạng Internet, mua sắm ti vi, tủ lạnh… Mật khẩu wifi được A Tồng in ra giấy, dán cẩn thận ở góc cột trước cửa nhà. Mục đích là để người dân có nhu cầu có thể sử dụng chung.
Để có thu nhập, A Tồng cũng trồng quế. Từ 1 ha quế của bố chia cho, A Tồng đã lấy ngắn nuôi dài, nhân rộng thêm 5 ha quế nữa. Giờ Tồng có 1 ha quế 15 năm tuổi, 1 ha 8 năm và 4 ha 6 năm tuổi, mỗi năm thu về 70 triệu đồng từ quế. Ở nhà, A Tồng còn kinh doanh thêm cửa hàng tạp hóa, nhận chở vật liệu xây dựng hoặc chở theo nhu cầu của người dân để tạo thêm thu nhập hàng ngày cho gia đình. Năm 2018, A Tồng thoát nghèo.
Anh Vàng A Củ cùng Trưởng thôn Vàng A Hềnh (bên phải) chia sẻ về kỹ thuật canh tác quế bền vững.
Hôm gặp Tồng là những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, A Tồng đang bán hơn 6 tạ quế vỏ, thu về 16 triệu đồng. A Tồng cho hay: "Cũng không định bóc bán đâu vì giá quế đang thấp, nhưng em muốn sắm sửa cho vợ con một cái tết tươm tất. Mấy năm nay vì tập trung trả nợ mà vợ con em thiệt thòi lắm rồi!”. Khoản nợ mà A Tồng nói đến là tiền mua xe ô tô tải gần 700 triệu. Trong đó, hơn một trăm triệu là vay ngân hàng. A Tồng khoe: "Đến hôm nay, em chính thức hết nợ. Quế có, xe tải có, cửa hàng có, chỉ cần tiếp tục chăm chỉ làm lụng thôi, chẳng mấy mà em sẽ cho vợ con em một cuộc sống khấm khá, không ai phải vất vả nữa!”.
Cuộc sống ở Tập Lăng là thế! Bình yên và tràn đầy sức sống, khát vọng. Ở đó, người dân đang chú tâm lo tính chuyện làm ăn, quan tâm tới giáo dục và hạnh phúc gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Họ đã dần thay đổi tập quán canh tác từ tự cung, tự cấp sang tư duy hàng hóa. Họ bảo vệ rừng phòng hộ. Họ canh tác 2 vụ lúa bảo đảm an ninh lương thực. Họ trồng quế để tạo thu nhập, chủ động phát triển kinh tế gia đình.
Ở Tập Lăng cũng đã xuất hiện nhiều hộ có thu nhập từ 100 đến vài trăm triệu đồng/năm như: Vàng A Tồng, Vàng A Chư, Sùng A Tu A… Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện để xây nhà, mua sắm các đồ dùng gia đình cần thiết: xe máy, ti vi, tủ lạnh… phục vụ tốt hơn đời sống sinh hoạt của gia đình.
Trưởng thôn Vàng A Hềnh bộc bạch: "Trước đây, tôi từng nghe thấy một câu nói: "Người Mông đi đến đâu thì phá rừng đến đấy”. Buồn lắm, nhưng phản ánh đúng một thời của dân tộc mình. Giờ đây, chúng tôi nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng từ rừng. Chúng tôi không phá rừng làm nương rẫy mà nhận bảo vệ 410 ha rừng phòng hộ, trồng được 140 ha quế, trong đó có trên 80 ha đã được thu hoạch. Chúng tôi có thu nhập, có quỹ chung để thực hiện các công trình, phần việc của thôn. Không chỉ phát triển kinh tế, đồng bào mình cũng từ bỏ hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp; không nghe, không tin theo các luận điệu xấu, trở lại với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mông. Nhờ đó, diện mạo của thôn thực sự đã tươi mới”.
Tập Lăng hiện có 60% đường nội thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa; tỷ lệ nhà kiên cố và bảo đảm 3 cứng đạt 96%. Thôn còn 35/120 hộ nghèo; 75% có phương tiện nghe, nhìn; 80% người dân có điện thoại thông minh; 30% hộ gia đình lắp đặt mạng Internet… Tất cả những con số ấy, đã cho thấy một Tập Lăng đang phát triển về kinh tế, nếp sống đang văn minh, con người đang tiến bộ. Đây cũng là tiền đề để người dân Tập Lăng tiếp thu và học hỏi cái mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thoát ly được lối sống bó hẹp. Từ đó, có những cách làm hay và chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, dựng xây tương lai hạnh phúc, no ấm, tiến bộ.
Hoài Anh