Năm 1994 là mốc khởi đầu quan trọng khi Trạm Khuyến nông Trấn Yên được thành lập. Ở giai đoạn 1994 - 2004, dù mới mẻ nhưng công tác khuyến nông đã triển khai một cách toàn diện, các nội dung hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đóng vai trò lớn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp, đặc biệt giúp đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện kinh tế khó khăn và giúp làm tăng quy mô, diện tích sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Đội ngũ khuyến nông viên cơ sở đã bám sát địa bàn phụ trách, tập trung hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình thực hiện trong giai đoạn này có kết quả nổi bật, lan tỏa rộng, được nhân rộng trên địa bàn huyện, có tác động lớn đến sản xuất nông - lâm nghiệp tại địa phương, nhiều mô hình đến nay còn được sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Tiêu biểu như mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, nhất là các giống lúa lai Trung Quốc có năng suất cao như Nhị ưu 838, Tiên ưu, Sán ưu và các giống lúa thuần có năng suất chất lượng cao như HT1, TH 3-3… hay mô hình che phủ nilon chống rét cho mạ vụ đông xuân, ứng dụng kỹ thuật gieo mạ khay… Giai đoạn này cũng bước đầu triển khai thử nghiệm các mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng tre măng Bát độ, trồng chè lai LDP1, LDP2, chè chất lượng cao Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên…
Trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2005 - 2009, đội ngũ khuyến nông huyện đã chủ động, tính cực tham gia thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch và tham gia chỉ đạo các chương trình dự án, chương trình phát triển kinh tế... góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương. Nổi bật, đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình cánh đồng 35 triệu đồng/ha tại xã Hưng Khánh; mô hình trồng cây lâm nghiệp giống mới, mô hình trồng thâm canh và làm giàu rừng... có ý nghĩa lớn trong việc tăng giá trị của trồng rừng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Giai đoạn 2010 - 2018 đã cho thấy bước phát triển cao hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông huyện với mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, hiệu quả của các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ đồng thời xây dựng được mối liên kết bền vững giữa "4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tiếp tục phát triển và mở rộng các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm; chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm phải gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động của Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã không ngừng được đổi mới với phương thức và hình thức hoạt động khuyến nông có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Có thể nói, giai đoạn 2010 - 2018 là giai đoạn trọng tâm trong phát triển sản xuất hàng hóa, đặc biệt trong nhận thức của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết "bốn nhà” có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào sự thành công của quá trình chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông. Sau khi thành lập, Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập trung vào việc nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như cây tre Bát độ, trồng dâu nuôi tằm, trồng quế an toàn, chăn nuôi hàng hóa…
Đến nay, Trấn Yên có các sản phẩm tiêu biểu là dâu tằm, sản phẩm thịt gia súc và gia cầm, quế, tre măng Bát độ, lương thực có hạt, chè chất lượng cao, quả có múi, rau, cây dược liệu… Các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực đã đem lại nguồn thu nhập chính của nhân dân trên địa bàn huyện như vùng trồng dâu nuôi tằm trên 900 ha, vùng cây ăn quả 1.000 ha, vùng chè trên 500 ha, vùng quế 20.000 ha, vùng măng tre Bát độ trên 4.000 ha, vùng gỗ nguyên liệu trên 15.000 ha và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, sản lượng thịt hàng năm trên 12.000 tấn.
30 năm qua, hoạt động khuyến nông Trấn Yên có tác động tích cực, tạo chuyển biến rõ nét đối với sản xuất nông - lâm nghiệp của địa phương. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa từng bước phát triển, hình thành những sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà bước đầu được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Công tác khuyến nông đã thường xuyên đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua các thời kỳ, nhất là thời kỳ hội nhập, xây dựng nông thôn mới. Trấn Yên tự hào khi là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và của cả khu vực Tây Bắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019.
Nguyễn Thơm