Gia tăng hiệu quả kinh tế
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của quận Long Biên phát triển theo hướng tích cực, với thế mạnh chủ yếu là ngành dịch vụ, công nghiệp… Sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh của Long Biên nhưng quận có khá nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt chất lượng 3 sao, 4 sao.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hương Việt Sinh Nguyễn Thanh Hà cho biết, hiện đơn vị có 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; cung cấp thực phẩm sạch cho hơn 100 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công ty cũng đang định hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Việc tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn không chỉ của doanh nghiệp mà của hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh… Sản phẩm OCOP đã tạo nên thương hiệu và bước đi vững chắc cho Hương Việt Sinh trong những năm qua.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH An Xanh (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) Đỗ Thùy Dung cho biết, doanh nghiệp có 2 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP là Trà hoa vàng An Tea và Lá trà vàng An Tea. Đây là các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chống lão hóa, được sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sau khi được đánh giá, phân hạng, công ty mong muốn sản phẩm trà được nhiều người dân Thủ đô và cả nước tin dùng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đa số sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có giá trị cao hơn và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Tại huyện Sóc Sơn, Hợp tác xã Trái Tim Hồng có 8 sản phẩm từ hạt gỗ mỹ nghệ được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, cấp giấy chứng nhận 3-4 sao OCOP. Nhờ có thương hiệu OCOP, sản phẩm của hợp tác xã cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc tiêu thụ thuận lợi giúp gia tăng hiệu quả kinh tế.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, các sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận OCOP là những sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế, doanh số bán hàng của các chủ thể cũng tăng trung bình 10-20%. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện còn đang giúp tạo công ăn việc làm cho 265 lao động, với mức thu nhập ổn định trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Dù vậy, theo đại diện phòng kinh tế một số quận, huyện, hiện các văn bản, chính sách về Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 chưa có quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ đơn vị tư vấn, chủ thể; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu… Các chủ thể OCOP vẫn cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các doanh nghiệp phân phối...
Tập trung phát triển thị trường tiềm năng trong nước
Yêu cầu khắt khe của thị trường ngày càng mở rộng, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua thực hiện các giải pháp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng.
Là người đồng hành cùng thị trường Việt Nam trong thời gian dài, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Paul Le cho biết, Central Retail đang nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp, doanh nghiệp của Việt Nam trong đó có chủ thể OCOP. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác chế biến, xây dựng thương hiệu, tìm hiểu thị trường, học cách bán hàng… Đặc biệt là cần tập trung phát triển thị trường tiềm năng trong nước. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian qua đạt hiệu quả cao là gợi ý tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh Việt Nam.
Để khách hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương, ông Paul Le cho rằng, bên cạnh chất lượng thì sản phẩm phải kể được câu chuyện mang tính địa phương. Bởi sau mỗi sản phẩm là câu chuyện văn hóa, con người và vùng đất. Đó sẽ là điểm nhận diện của sản phẩm địa phương so với hàng trăm, hàng nghìn món hàng khác trên kệ.
Vấn đề đặt ra hiện nay với các doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản xuất xanh, sống trong môi trường tốt, sạch. Do vậy, rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp phân phối. Cùng với các doanh nghiệp phân phối khác, mới đây Central Retail cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhằm bắt kịp xu hướng này của thị trường và góp phần phát triển hàng Việt Nam đứng vững hơn tại thị trường trong nước.
(Theo HNM)