Đó là thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức chiều nay - 19/1. Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 41.530 tỷ đồng, nợ xấu nội bảng chỉ chiếm 0,31% tổng dư nợ
Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, NHNN Chi nhánh tỉnh đã bám sát chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô,thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đạt 49.897 tỷ đồng, tăng 18,25% so với 31/12/2022. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 41.530 tỷ đồng, tăng 12,84% so với 31/12/2022. Dòng vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong năm, các chi nhánh ngân hàng và QTDND đã thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng để áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, vì vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến 31/12/2023 chỉ chiếm 0,31% tổng dư nợ.
Năm 2024, ngành ngân hàng Yên Bái phấn đấu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế so với năm 2023 từ 10% đến 12% trở lên. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành ngân hàng tỉnh đạt được trong năm vừa qua. Năm 2024, với phương châm hành động "Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành ngân hàng bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao năm 2024 và Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thwucj hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, thực hiện tốt kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng; đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong từng chi nhánh ngân hàng. Đẩy mạnh các giải pháp, hình thức huy động nguồn vốn trong các tầng lớp dân cư trên địa bàn, đảm bảo ổn định và tăng trưởng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành ngân hàng cần chủ động áp dụng, mở rộng và phát triển có hiệu quả, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ và các điểm máy rút tiền tự động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động đối với các ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân đảm bảo an toàn, chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo mật, an toàn kho quỹ; tiếp tục đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống ngành ngân hàng vừa có bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời đề nghị các ngân hàng tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương…
Văn Thông