Mới đây, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái ở đường Nguyễn Phúc, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái công bố tiền thưởng tết cho NLĐ. Để động viên công nhân, NLĐ đã cố gắng làm việc trong năm qua, Ban Giám đốc Công ty quyết định thưởng dịp tết Nguyên đán cho cán bộ, công nhân Công ty với mức cao nhất dự kiến là 35 triệu đồng, mức bình quân là 10 triệu đồng và thấp nhất là 6 triệu đồng.
Biết được thông tin về mức thưởng tết, nhiều công nhân của Công ty vui mừng và yên tâm làm việc bởi đã có một khoản chi tiêu dịp cuối năm. Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là một trong số hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đến các chế độ, chính sách, nhất là thưởng tết cho NLĐ.
Thưởng vào dịp tết là khoản lợi nhuận trong năm được các doanh nghiệp trích ra để thưởng cho người lao động (NLĐ). Điều này không quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động nhưng đó là nét đẹp văn hóa trong quan hệ lao động.
Từ tháng 11/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2157 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để phối hợp trong việc nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật, nhất là trong dịp tết Nguyên đán 2024. Cùng với đó, Sở cũng gửi Công văn số 2156 đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng tết năm 2024.
Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật; các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với NLĐ trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán năm 2024.
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, kế hoạch thưởng tết Dương lịch, tết Nguyên đán năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 25/12/2023, đã có 415 doanh nghiệp có báo cáo với tổng số 20.732 lao động.
Các doanh nghiệp được khảo sát báo cáo không nợ lương của NLĐ, thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đối với công ty nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước Trung ương đóng tại địa phương, có 9 doanh nghiệp báo cáo với 1.332 lao động.
Các doanh nghiệp này tiền thưởng tết Nguyên đán cao nhất năm nay là 8,5 triệu đồng, bình quân là 1,8 triệu đồng và thấp nhất là 0,5 triệu đồng. Tương tự với các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là các mức 5 triệu đồng, 2,5 triệu đồng và 0,5 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp FDI, số có báo cáo là 6 doanh nghiệp với 992 lao động, tiền thưởng tết Nguyên đán 2024 cao nhất là 17 triệu đồng, mức bình quân là 6 triệu đồng và thấp nhất là 2 triệu đồng. Doanh nghiệp dân doanh, có báo cáo của 398 doanh nghiệp với 18.240 lao động, trong đó, tiền thưởng tết cao nhất 70 triệu đồng, bình quân là 5 triệu đồng và thấp nhất là 0,5 triệu đồng. Nhìn chung, mức thưởng tết không có biến động so với năm 2023.
Ngoài các doanh nghiệp đã công bố mức thưởng tết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện vẫn chưa công bố mức thưởng tết và đang cân nhắc cân đối các nguồn thu. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mới thành lập, các công ty mới phục hồi sản xuất hiện đang cố gắng cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết để có tiền chăm lo tết cho NLĐ. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, việc được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng cuối năm cũng là trợ lực để doanh nghiệp giữ mức thưởng tết, giữ chân NLĐ và chờ thị trường tươi sáng trở lại.
Thu Hiền