Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, chương trình XDNTM ở Yên Bái đã đạt được kết quả bước đầu tích cực và quan trọng. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương vùng cao.
Một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chí môi trường là vấn đề quản lý chất thải. Việc xử lý và tái chế chất thải đúng cách đảm bảo không gian sống trong lành cho người dân và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đang trong lộ trình XDNTM, các tiêu chí đang dần hoàn thiện với sự trợ giúp từ các nguồn lực Nhà nước cùng với việc phát huy nội lực trong nhân dân.
Ông Giàng A Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức, song tiêu chí môi trường vẫn là bài toán khó. Bởi tập tục sinh hoạt, chăn nuôi của người dân vẫn chưa thực sự hợp vệ sinh, ý thức của người dân chưa cao. Có thể nay tổng động viên ra làm nhưng mai lại để bừa bãi. Hơn nữa xã lại chưa có địa điểm đổ rác”.
Thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM là cái khó của nhiều địa phương vùng cao chứ không riêng gì ở La Pán Tẩn. Nậm Khắt là địa phương đang trên lộ trình về đích NTM, năm 2023, xã Nậm Khắt đã đạt 14/19 tiêu chí XDNTM. Trong số các tiêu chí còn lại còn có một vài nội dung nhỏ trong tiêu chí môi trường như tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch, trong khi hiện nay bà con mới chỉ đang sử dụng nước hợp vệ sinh và về chăn thả gia súc gia cầm tự do. Song đến nay, cơ bản tiêu chí môi trường cũng không còn quá khó khăn đối với Nậm Khắt.
Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh thực hiện công tác vệ sinh môi trường thực hiện tiêu chí môi trường, song do tập quán cùng nhiều điều kiện ngoại cảnh dẫn đến một vài nội dung trong tiêu chí chưa đạt. Song, nhìn chung công tác vệ sinh môi trường ở xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. 8/8 bản xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, người dân phân loại rác thải rắn, mỗi thôn bản xây dựng bãi rác tập trung để xử lý. Đường làng ngõ xóm luôn được giữ gìn sạch sẽ”.
Cách làm của Nậm Khắt vẫn là tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, cùng với sự tận tâm, tận tụy theo sát trong suốt quá trình thực hiện.
Chủ tịch Thào A Phềnh chia sẻ thêm: "Đầu tiên triển khai khó khăn, do nhận thức của bà con với tập quán sinh hoạt lâu đời, để thay đổi không phải một sớm một chiều. Xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công từng cán bộ cấp ủy, cũng như cán bộ phụ trách từng bản lồng gắn với đảng viên trong chi bộ, mỗi hộ đảng viên phụ trách 3-4 hộ về công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động di chuyển chuồng trại, làm bếp, nhà tiêu hợp vệ sinh. 95% hộ gia đình toàn xã có nhà bếp riêng”.
Đi từng bản, từng hộ cầm tay chỉ việc, tổ chức ngày cuối tuần cùng dân, dành ngày thứ 7 đi bản làm công tác vệ sinh môi trường, quét đường làng ngõ xóm, hướng dẫn sắp xếp nhà cửa; bày cho người dân cách bố trí chỗ nào làm ăn, chuồng trại, chỗ nào nấu ăn, chỗ nào để ngủ nghỉ… đảm bảo sạch sẽ. Đó là cách làm hay và hiệu quả ở Nậm Khắt.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác tại các nhà cộng đồng để làm công tác vệ sinh môi trường. Các bản thành lập từng nhóm hộ gia đình phụ trách từng tuyến đường, từng ngõ xóm. Hàng tuần vào thứ 7 người dân tự hô hào, huy động nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo thành thói quen thường nhật. Việc này được đưa vào hương ước, quy ước của bản nên đến nay bà con nhân dân rất tích cực tham gia, trách nhiệm vì cộng đồng.
Cùng với đó, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền trong học sinh không vứt rác bừa bãi, phải đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nậm Khắt đã đưa công tác vệ sinh môi trường, công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế vào mục tiêu phấn đấu quan trọng của xã. Cuối năm có những khen thưởng kịp thời cá nhân tập thể làm tốt. Từ đó tạo được phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả.
Câu chuyện giải bài toán vệ sinh môi trường ở Nậm Khắt cho thấy, để thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tập trung của cấp ủy chính quyền địa phương. Quyết liệt, cầm tay chỉ việc, tạo dựng thói quen… là những cách làm hiệu quả tại xã Nậm Khắt và sẽ còn nhiều xã vùng cao khác thực hiện thành công. Chỉ thông qua sự đồng lòng và hành động thống nhất, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường sống tốt đẹp và bền vững cho người dân vùng cao.
Thanh Ba