Rất nhiều năm về trước, cuộc sống của người Mông gắn liền với tập quán du canh du cư, đổi rời nơi ở. Để xây dựng cuộc sống mới ở vùng đất mới, họ chặt cây, phá rừng. Cây to thì lấy gỗ dựng nhà, làm các đồ dùng sinh hoạt. Cây nhỏ thì làm củi đun. Đất trống để làm nương rẫy, trồng trọt, sản xuất lương thực. Cứ thế, cho đến khi đất hết màu mỡ, họ tiếp tục tìm kiếm vùng đất mới để sinh sống và lặp lại chu trình như thế.
Bởi vậy mà mỗi bước chân họ đi qua sẽ có một cánh rừng bị chặt hạ. Nhưng đó chỉ còn là quá khứ!
Giờ đây, trải qua nhiều năm tuyên truyền, vận động, người Mông đã thay đổi rõ rệt về nhận thức, từ bỏ cuộc sống du canh du cư nay đây mai đó để định cư ổn định tại các bản làng; không nghe lời kẻ xấu vì lợi ích kinh tế trước mắt mà gây tổn thất cho tài nguyên rừng. Họ vừa làm nông lâm kết hợp, thâm canh trồng rừng vừa nhận giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Nhờ thế mà cuộc sống đã có nhiều đổi khác.
Thành viên Tổ xung kích tuần tra, bảo vệ rừng ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải thường xuyên túc trực tại lán trại canh gác ở cửa ngõ vào rừng.
Khe Kẹn là một trong 6 thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Từ nhiều năm nay, cộng đồng người Mông nơi đây đã tin tưởng, nghe theo sự lãnh đạo của Đảng, loại bỏ nhiều hủ tục, xây dựng đời sống mới và phát triển kinh tế. Rừng núi - nơi mà mỗi người Mông mở cửa là thấy, là chạm vào vẫn là nguồn sống màu mỡ cho đồng bào nhưng được khai thác theo cách khác.
"Nếu chúng ta vừa khai thác vừa trồng vừa bảo vệ thì đến đời con, đời cháu vẫn còn tài sản, tư liệu để sản xuất, có thu nhập và có cuộc sống tốt” - ông Hảng Giảng Sinh ở thôn Khe Kẹn tâm niệm như thế.
Với suy nghĩ đó, ông Sinh là người tiên phong trong phong trào phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Trước đây, cũng như bao hộ đồng bào Mông, ông Sinh cũng từng chỉ biết kiếm sống từ rừng bằng cách hái những ngọn măng sặt, măng vầu, lá dong, bông chít… - những thứ mà người ở trung tâm xã khi ấy thu mua để có thêm thu nhập.
Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng tự nhiên, khiến cái đói vẫn cứ dai dẳng đeo bám như con vắt núi bám chặt lưng quần. Không cam chịu cuộc sống mà bữa có bữa không, ông Sinh nghĩ cách thoát nghèo từ rừng. Ông chuyển những nương ngô sang trồng măng sặt rồi bồ đề, quế. Cứ từng chút kiên trì, chăm chỉ từ việc nhặt hạt giống, học cách ươm giống cho đến trồng, chăm sóc, phát cỏ… để ông có 6 ha rừng của hiện tại.
"Ông Sinh cần cù lắm, lại có tư duy kinh tế rõ rệt. Cả 6 ha rừng sản xuất hiện có đều từ một tay hai vợ chồng ông gây dựng. Gần 60 tuổi nhưng nhiều thanh niên không bằng được ông”- Bí thư Chi bộ thôn Khe Kẹn - Vừ A Phềnh nhận xét. Nghe thế, ông Sinh cười sảng khoái: "Chẳng biết tôi thu nhập được bao nhiêu nhưng đủ để ăn no rồi. Giờ tôi có 2 ha trồng măng sặt, 4 ha trồng quế (đã được 8 năm tuổi) và bồ đề. Ở nhà, tôi cũng nuôi thêm 50 con vịt, gà, ao cá. Năm qua, những khoảng đất trống vì quế còn nhỏ, tôi cũng trồng thử khoai sọ thu hoạch được thêm 2 tạ khoai”.
Anh Phềnh nhẩm tính hộ, vậy bét cũng phải 150 triệu đồng/năm. Không chỉ có ông Sinh, ở Khe Kẹn còn có ông Sùng Nủ Khua, Vừ A Xìa… đều là những người Mông có thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng rừng. Toàn thôn hiện nay đã phát triển trên 100 ha quế, bồ đề, 30 ha măng sặt và nguyên từ măng sặt mỗi hộ thu ít nhất 30 triệu đồng/năm, giúp tỷ lệ hộ nghèo trong thôn hiện đã giảm còn 27 hộ, tương đương với 32% vào năm 2023.
Một điều đáng mừng là, những mô hình kinh tế như của ông Hảng Giảng Sinh đang ngày một phổ biến trong cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái thay thế cho lối sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng tự nhiên. Trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành cây trồng làm giàu; chuyện nhiều hộ đồng bào Mông có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, mua được xe ô tô, xây nhà tiền tỉ đã không còn là hiếm.
Từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, nhiều bản làng người Mông còn xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc không chỉ thu hút đông đảo du khách đến khám phá, mà còn trở thành những sản phẩm thương hiệu của tỉnh, tạo thêm thu nhập cho đồng bào.
Tiêu biểu có thể kể đến như: Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên, rừng nguyên sinh ma mị trên đường leo đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa, rừng thông eo gió, huyện Trạm Tấu; rừng trúc Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải hay các rừng chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn...
Ngoài trồng rừng sản xuất, người Mông còn nhận giao khoán bảo vệ rừng với hàng trăm nhóm, tổ quản lý, bảo vệ rừng ra đời. Với trên 90% đồng bào Mông sinh sống, huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện đã có 108 tổ đội như thế. Trong năm 2023, có 97,4% hộ gia đình trên địa bàn huyện đã ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 67,35%.
Công tác bảo vệ rừng luôn được xã cùng nhân dân Khao Mang coi trọng. Ngoài ký cam kết thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, hằng năm, vào mùa cao điểm cháy rừng khoảng từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, cả 8 thôn đều có người trực 24/24 giờ tại các lán trại canh gác được dựng ở cửa ngõ vào rừng.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang cho biết: "Tại đây, người dân sẽ ghi chép lượng người ra vào rừng; phát hiện các cột khói, kịp thời thông báo cho địa phương để có phương án dập lửa; tham gia chữa cháy rừng khi có cháy… Còn khi không phải mùa cao điểm thì sẽ giảm thời gian trực chốt gác, tăng cường công tác kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm lấn, xâm hại rừng. Cán bộ ở xã, ở huyện cũng thường xuyên đến từng bản để tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách phát rừng đúng cách, cách làm đường băng cản lửa... Nhiều năm nay, người dân ở Khao Mang còn được chi trả trên 2 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng”.
Ở xã Chế Tạo, con số này còn lên tới 11 tỷ đồng, bởi diện tích rừng trên địa bàn xã có tới gần 20.000 ha, chiếm tới 85% diện tích toàn xã. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân ở bản mình được chi trả 25 triệu đồng từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Mình vừa bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài sản đã cho mình biết bao nhiêu tài nguyên, bảo vệ mình trước thiên tai vừa có tiền để trang trải cuộc sống, xây dựng các công trình phúc lợi của bản.
Ông Sùng A Cớ - Bí thư Chi bộ bản Nả Háng, xã Chế Tạo chia sẻ: "Việc gì cũng chỉ có lợi nên bà con tự giác lắm. Chủ động phân công nhau tham gia trực phòng chống cháy rừng và giữ rừng để có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện. Bây giờ, đi tuần tra bảo vệ rừng đã trở thành một việc thường xuyên, được tổ chức theo kế hoạch, hành trình bài bản và ngày càng có nhiều người tham gia. Bà con ngày càng có ý thức bảo vệ rừng. Họ không đi phát phá rừng, khi phát hiện những trường hợp lấn chiếm rừng đều kịp thời báo cho chính quyền, cơ quan chức năng”.
Được chăm sóc, bảo vệ, những cánh rừng đang xanh lên mỗi ngày như một cách người Mông trả ơn rừng và bù đắp cho sai lầm của quá khứ. Những nỗ lực, đóng góp của đồng bào Mông trong bảo vệ, tái sinh rừng, là động lực rất lớn để tỉnh Yên Bái tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% trong năm 2023 cũng như phấn đấu độ che phủ rừng giai đoạn 2022 -2025 đạt từ 63,5% đến 65%. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoài Anh