Các chương trình này đã có tác động rõ nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các vùng nông thôn được thay da đổi thịt, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xây dựng đồng bộ đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Quan trọng hơn là đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi với miền xuôi, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm theo từng năm.
Có thể khẳng định, những năm qua, Yên Bái đã chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các CTMTQG góp phần xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Năm 2023 đầy khó khăn, nhưng Yên Bái vẫn giành và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh…
Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6%, đứng 7/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố, đảm bảo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX. Kết quả đó là kết tinh trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ các CTMTQG.
Với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân vùng cao; ưu tiên bố trí trên 12.000 tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, giảm nghèo, XDNTM…
Công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, công tác giảm nghèo đạt hiệu quả tích cực, tỷ lệ giảm bình quân 4%/năm. Quan trọng hơn là giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế đáp ứng cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch. Huyện Mù Cang Chải là địa phương được thực hiện nhiều dự án: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp bền vững…
Vốn là một trong những huyện nghèo của cả nước, nay có những bước phát triển vượt bậc và trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế. Mù Cang Chải đã có một diện mạo hoàn toàn mới, hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện đồng bộ, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, gia tăng số lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Mù Cang Chải đã đưa du lịch trở thành động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dược liệu đặc trưng, tạo ra những dịch vụ mới có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hay như CTMTQG về XDNTM, tuy là tỉnh có xuất phát điểm thấp nhưng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và những cách làm hay, sự đồng thuận cao trong nhân dân, trong XDNTM, Yên Bái luôn là điểm sáng trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đến nay, toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn NTM (37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu). Huyện Trấn Yên đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái hoàn thành nghĩa vụ XDNTM.
Huyện Yên Bình, huyện Văn Yên cơ bản về đích huyện NTM. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, trong đó hai huyện vùng cao khó khăn nhất là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều giảm trên 6,5%. Xã đạt chuẩn NTM không chỉ mang đến diện mạo mới mà còn làm đổi thay đời sống vật chất, tinh thần người dân, trở thành vùng quê đáng sống.
Các CTMTQG là động lực góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp miền quê Yên Bái.
Ngọc Trúc