Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh. Có thể nói đây thực sự là "tín hiệu mừng” trong tháng đầu tiên của năm 2024 khi có tới 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ. Số dự án tăng, đặc biệt là dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Đồng thời, vốn giải ngân cũng rất khả quan, đạt mức 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những kết quả là đáng ghi nhận, thế nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng hiện nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ còn gặp khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới. Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và hợp tác công tư); quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen.
Để tăng cường thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian qua mặc dù chúng ta đã "dọn ổ” nhưng ngoài những doanh nghiệp FDI đang ở Việt Nam thì chưa thấy nhiều "đại bàng mới” đến. "Với những nước đang phát triển rất cần nguồn vốn FDI vì nguồn vốn đi cùng với công nghệ. Đất nước muốn phát triển thì rất cần nguồn vốn lớn và công nghệ cao từ những nước phát triển” - ông Hiếu nói và nhắc lại bài học thực tế trước đây Trung Quốc đã có chiến lược kêu gọi đầu tư, đào tạo người lao động để thu hút FDI một cách mạnh mẽ để Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Để thu hút FDI công nghệ cao nhằm phát triển kinh tế đất nước, theo ông Hiếu, có một số điều cần làm ngay. Thứ nhất, những luật lệ về đầu tư phải thống nhất với nhau, tránh chồng chéo. Thứ hai, những thủ tục hành chính cần được cải cách để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, phải đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực để tránh tình trạng "chi phí ngoài”.
Ông Hiếu cũng gợi ý rằng, phải tạo ra những "con sếu đầu đàn” là những doanh nghiệp lớn trong nước có đủ khả năng, năng lực cung ứng để thu hút các doanh nghiệp FDI đến hợp tác từ đó tạo ra các cơ hội khác cho các doanh nghiệp nhỏ ở trong nước. Hiện những "con sếu đầu đàn” còn hạn chế, chủ yếu là những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Những "con sếu đầu đàn” kinh doanh mảng công nghệ cao thì chỉ có FPT, Vingroup là lớn mạnh, còn đa phần là èo uột. Do đó chúng ta chưa có nhiều "con sếu đầu đàn” để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, hợp tác. Vì thế cần nuôi dưỡng những "con sếu đầu đàn” và có chính sách phù hợp để những "con sếu” này ngày càng lớn mạnh. "Đây là bài học mà Hàn Quốc đã thành công vì những "con sếu” này không chỉ giúp cho kinh tế nội địa mà còn giúp kêu gọi đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Hàn Quốc” - ông Hiếu dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu khuyến nghị lực lượng lao động cần được tăng cường đào tạo để có kiến thức sâu, nâng cao kỹ năng lao động một cách chuyên sâu. "Đồng thời cải thiện thu nhập cho người lao động. Bởi khi thu nhập tăng lên, đảm bảo được cuộc sống thì họ sẽ cống hiến nhiều hơn” - ông Hiếu nói.
Để tận dụng mọi cơ hội thị trường, thu hút FDI có trọng điểm và hướng tới nguồn FDI có chất lượng đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, theo PGS.TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, trong giai đoạn tới cần thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0 để kết nối mọi vùng, miền trên cả nước. Đồng thời nghiên cứu và tận dụng các cơ hội đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu ở những ngành hàng chiến lược như ngành bán dẫn, điện tử.
Bên cạnh đó, hiện các nước trên thế giới đang thúc đẩy xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh nên Việt Nam cần nhanh chóng chuyển dịch và bắt kịp và là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững xuất nhập khẩu bền vững và thu hút FDI có chất lượng trong tương lai.
(Theo Đại đoàn kết)