Kinh tế Việt Nam: Khơi thông và phát huy nội lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2024 | 7:37:56 AM

Trải qua 3 năm đại dịch Covid-19, vượt qua vô vàn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng tích cực. Điều này được minh chứng qua các con số phản ánh thành tích tăng trưởng, xuất khẩu ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài tăng.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Nhận diện khó khăn

Thế giới đã trải qua 3 năm thật dài từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Cú sốc mang tên Covid-19 đã gây dư chấn nghiêm trọng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh hệ thống sản xuất khu vực và thế giới ngày càng thể hiện khả năng chống chịu yếu, chuỗi cung ứng toàn cầu tuy dần được khôi phục nhưng còn tương đối lỏng lẻo.

Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ..., kinh tế - xã hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn lại năm 2023 cho thấy đây là thời điểm có nhiều thách thức, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hơn 158,8 nghìn, tính ra bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn một nửa số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh, giải thể. Những doanh nghiệp này có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm). Cứ 2 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, thì 1 đơn vị thời gian hoạt động ngắn. Khốc liệt hơn, cứ 3 doanh nghiệp giải thể, thì có tới 2 đơn vị non trẻ.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp nào kém "sức đề kháng” đành phải rời bỏ thị trường. Mà điển hình là doanh nghiệp trong mảng bất động sản phải đóng cửa hàng loạt. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ, chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản khó khăn như hiện nay.

Tương tự, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long đã nhận xét, các doanh nghiệp bất động sản thực sự vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể còn khó khi tiếp cận vốn vay tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án. Mặt khác, họ tiếp tục gặp khó khăn cả về thanh khoản, dòng tiền, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào những tháng cuối năm 2023, khiến nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư lung lay đã tác động đến tính thanh khoản thị trường, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản càng thiếu vốn, thậm chí một số doanh nghiệp đang chịu áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Đặc biệt đối với vấn đề pháp lý, không ít dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện...

Đưa ra cái nhìn vĩ mô GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong điều hành và tăng trưởng kinh tế.

Vững vàng giữa "làn gió ngược”

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, dù tình hình kinh tế Việt Nam 3 năm sau Covid-19 gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có những điểm sáng nổi bật, tiền đề cho sự hồi phục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, vững chắc, trong đó nổi bật là việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 193/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 5 đối tác chiến lược toàn diện, 18 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 thị trường, đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế.

Chuyên gia kinh tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đánh giá, đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới thì kinh tế nước ta những tháng cuối năm có nhiều điểm tích cực, tạo cơ hội cho tăng trưởng, ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó phải kể đến những con số khả quan về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng đầu tư và giải ngân các dự án trong thời gian từ năm 2019 đến nay.

Thống kê sơ bộ 11 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý hơn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 đến từ việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thu hút FDI có nhiều bứt phá với nhiều dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao. Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam đang và sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới trong dòng vốn đầu tư dịch chuyển khu vực và quốc tế nhờ ưu thế ổn định chính trị, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nước ta đã vươn lên từ nội lực, từ những ngành hàng truyền thống và từ những ngành hàng mà chúng ta làm chủ.

Một điểm rất đáng ghi nhận nữa là sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp. Giữa bộn bề thách thức doanh nghiệp buộc phải tự chuyển mình, tìm cách thích ứng.

Cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng là những nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương để cùng đóng góp vào các hoạt động tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là Chính phủ đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cuối tháng 10 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác để giám sát việc thực hiện nhiều chỉ đạo, tháo gỡ nhiều vướng mắc.

Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì những thành tích đó đều chứng tỏ khả năng đối mặt với các "cơn gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam.

Thích ứng và phát triển

Năm 2024 vẫn được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam, bởi những khó khăn của năm 2023 vẫn ảnh hưởng. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Trong khi lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, do đó việc điều hành kinh tế dự báo khó khăn.

Năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%.

Ở góc nhìn chuyên gia, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế "xin - cho”, hành chính; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).

Ngoài ra, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh.

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia kinh tế, những mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp khả năng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhận định, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là "thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

(Theo Đại đoàn kết)

Các tin khác
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thiện dự thảo theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ đã bộc lộ một số vướng mắc cần được sửa đổi.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Cần thêm các chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Ảnh: Việt Duy

Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết hợp chính sách tiền tệ - tài khóa hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Trong ngày làm việc cuối cùng của năm Quý Mão 2023, giá vàng SJC tăng bất chấp, sát mốc 79 triệu đồng/lượng và đắt đỏ kỷ lục so với vàng thế giới.

Trong ngày làm việc cuối cùng của năm Quý Mão 2023, giá vàng SJC tăng bất chấp, sát mốc 79 triệu đồng/lượng và đắt đỏ kỷ lục so với vàng thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục