Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng 2 - 3 con số như hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giầy dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...
Nhiều hợp đồng mới tạo động lực
Ông Nguyễn Đình Đạt, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sôi động ngay trong tháng đầu năm 2024, tập trung chủ yếu là hàng nông sản, trái cây. Nhờ sự điều tiết tốt nên tình hình xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu không có hiện tượng ùn ứ, bình quân những ngày giáp Tết Nguyên đán lượng thông quan khoảng gần 400 xe/ngày.
"Trước yêu cầu triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh, Sở Công Thương Lạng Sơn kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp, hỗ trợ địa phương để triển khai hiệu quả. Trước mắt, chuẩn bị cuộc gặp với Bí thư 4 tỉnh của nước bạn Trung Quốc, Lạng Sơn mong muốn cần sự hỗ trợ về logistics để làm tốt nhiệm vụ”, ông Đạt đề xuất.
Cũng trong tháng đầu năm 2024, các DN Việt Nam đã trúng 10 gói thầu cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia và dự kiến số hàng này sẽ giao cho Indonesia ngay sau Tết Nguyên đán. Ngoài Indonesia, phía Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong năm 2024. Với những hợp đồng này đang tạo động lực rất lớn cho người trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, từ ngày 15/2, DN Trung An (TP Cần Thơ) đã xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang Malaysia. Nhiều đơn vị trên địa bàn cũng đã nhận được đơn hàng từ phía Hàn Quốc đến hết năm 2024. "Sở Công Thương Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN xuất khẩu gạo họp trực tuyến với các Tham tán thương mại để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng đó, tháo gỡ cho DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để xuất khẩu thủy sản, gạo…”, ông Sơn mong muốn.
Thông tin mới cập nhật từ Sở NN&PTNT An Giang, Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới) vừa hoàn tất xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép sang thị trường Hàn Quốc. Không chỉ xoài, ngay những ngày đầu năm, nhiều lô hàng xuất khẩu sầu riêng của An Giang đã lần lượt được các thị trường quốc tế đón nhận và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2024, thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong 2 năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn - trong thời gian tới.
Do đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương cần tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các Bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
"Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu”, ông Hải phân tích.
Tuy vậy ông Trần Thanh Hải cho rằng, xuất khẩu Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Các DN trong nước tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cho xuất - nhập khẩu. Cục Xuất nhập khẩu dự kiến, chỉ tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng trên 6% so với năm 2023 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
(Theo VOV)