Gia đình ông Nguyễn Văn Thuần ở thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh có 6 ha đất rừng trồng, chủ yếu trồng keo. Năm qua, 2 ha keo khai thác của gia đình ông cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngay trong vụ xuân này, gia đình ông Thuần đầu tư 40 triệu đồng để làm cỏ, phát dọn thực bì, mua 1,5 vạn cây quế để đảm bảo khép kín diện tích rừng. Ông Thuần cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng keo. Đến nay, qua nghiên cứu và đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, gia đình tôi đã chuyển đổi khoảng gần 80% diện tích trồng keo sang trồng quế với mong muốn cho thu nhập cao hơn”.
Tân Thịnh hiện có 659 ha rừng, chiếm 55% diện tích tự nhiên của xã. Trong năm 2023, nhân dân trong xã đã trồng 38 ha rừng tập trung, chủ yếu là keo, quế, bồ đề; khai thác trên 3.600m³, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Để trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả, xã Tân Thịnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ phòng chống chữa cháy rừng cấp xã, cấp thôn. Đặc biệt vào mùa hanh khô xã thường xuyên kiểm tra các hộ có diện tích nương đồi lớn. Cùng với đó, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững và thực hiện Đề án trồng rừng cây đa mục đích, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Ông Trung Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: "Xã luôn xác định phát triển kinh tế đồi rừng là nhiệm vụ quan trọng. Xã đã chỉ đạo các bạn ngành đoàn thể, cùng các thôn rà soát các hộ có diện tích rừng thu hoạch trong năm 2023 để đăng ký trồng rừng năm 2024. Theo đó, vụ xuân năm nay, xã đã trồng được 21/30 ha với cơ cấu chủ yếu là keo, quế, bồ đề… Diện tích còn lại sẽ hoàn thành trong vụ thu”.
Là địa phương nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ rừng trồng, thời gian qua, xã Văn Phú đã đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng. Năm 2023, xã Văn Phú đã trồng mới trên 23 ha rừng, đạt trên 115% kế hoạch. Cùng với đó, bà con nhân dân còn trồng trên 30.600 cây phân tán các loại, 1.350 cây xanh đô thị. Trên khắp các nương đồi của Văn Phú đều gặp màu xanh trải dài của những rừng keo, rừng quế. Phong trào trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, trồng cây đa mục đích… được quan tâm thực hiện rộng rãi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhân dân. Năm 2024, xã Văn Phú phấn đấu trồng mới 19 ha rừng tập trung. Riêng vụ xuân, xã phấn đấu trồng trên 15 ha.
Ông Nguyễn Kim Độ ở thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú cho biết: "Trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nên năm nay gia đình tiếp tục trồng cây keo. Vụ xuân này, gia đình tôi đã phát dọn nương đồi, chuẩn bị phân bón, cây giống để trồng bổ sung, thay thế toàn bộ diện tích đã khai thác, đảm bảo không để đất trống đồi trọc. Ngay sau khi trồng xong, gia đình sẽ tập trung chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt”.
Những năm qua, phong trào trồng rừng tập trung trên địa bàn thành phố đã phát triển rộng khắp, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Năm 2023, thành phố đã trồng mới trên 11 nghìn cây xanh đô thị, 212.500 cây xanh phân tán, trồng 330 ha rừng tập trung, 43,3 ha trồng cây gỗ lớn. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo triển khai Đề án trồng cây đa mục đích, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, thành phố đã trồng 11,1 ha rừng đa mục đích, góp phần tạo môi trường trong lành, cảnh quan đô thị xanh, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu trồng 10.000 cây xanh đô thị, 195.000 cây phân tán và 200 ha diện tích rừng mới tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 30,5%. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thành đạt từ 8,2 m²/người. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu xuân mới, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, cơ quan, đơn vị tổ chức đồng loạt phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Đồng thời giao kế hoạch trồng rừng cho các địa phương, nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ra quân trồng rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phong trào trồng cây, trồng rừng đầu xuân đã tạo không khí thi đua, lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới. Với việc chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân, tin tưởng rằng thành phố Yên Bái sẽ hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng đề ra, góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị đáng sống "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Thu Trang