Kể từ khi Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đi vào hoạt động ổn định, xây dựng được vùng dược liệu rộng lớn, 6 thành viên HTX đã nhanh nhạy liên kết lại, kết hợp thêm nghề nuôi ong mật để tạo thêm thu nhập.
Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: "Ban đầu, chúng tôi nuôi ít một để vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khi đã nắm chắc kiến thức, kỹ thuật, mới bắt đầu tăng đàn. Tôi thấy, việc nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ và hiểu được quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài cây, nhất là giai đoạn ra hoa để ong thu được mật theo đúng mùa hoa. Hiện nay, chúng tôi có khoảng 100 đàn ong, sản lượng mật đạt gần 1.000 lít. Thời gian thu hoạch mật từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó từ tháng 5 đến tháng 8, tập trung thu mật đa hoa từ các loại cây ăn quả, đồi rừng khác; từ tháng 9 đến tháng 10 thì tập trung thu mật ong thảo dược từ các hoa dược liệu”.
Để tạo ra sản phẩm mật ong thảo dược đạt chất lượng, trước mùa hoa dược liệu, những người nuôi ong ở Thượng Bằng La đã cẩn thận lựa chọn địa điểm đặt ong, tránh xa các nguồn cung cấp phấn khác, mật hoa có nguy cơ ô nhiễm hóa chất. Thời điểm quay mật cũng được tính toán kỹ lưỡng, chỉ thu hoạch khi các lỗ trên bánh tổ đã vít nắp, căng tròn mật. Sản phẩm còn được tiến hành phân tích, kiểm định, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cả về dinh dưỡng và dược liệu.
Nhờ đó, năm 2022, sản phẩm mật ong thảo dược của HTX Lũng Lô đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây, sản phẩm bán được giá cao hơn, khoảng 450 nghìn đồng/lít, tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ thu về thêm 60 triệu đồng.
Bên cạnh mật ong thảo dược, ở Mù Cang Chải còn có sản phẩm mật ong rừng tự nhiên với trên 6.000 đàn ong, sản lượng mật đạt 65 - 80 tấn/năm. Với kinh nghiệm nuôi ong mật truyền thống với giống ong ta địa phương, kết hợp với phương thức nuôi ong trong rừng tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, người dân Mù Cang Chải đã tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm này.
Anh Sùng A Khày ở xã Khao Mang là một người có nhiều năm kinh nghiệm với nghề nuôi ong rừng chia sẻ: "Để nuôi ong rừng tự nhiên, vào đầu mùa xuân, chúng tôi sẽ vào rừng già lâu năm để khoét hầm trên vách đá hoặc đục gốc cây mục để làm tổ dụ ong. Khi thu hoạch, sẽ thu được cả mật và sáp ong về bán. Đến nay, gia đình tôi đã có 60 tổ ong rừng. Mỗi năm, cho thu hoạch 3 lần với tổng sản lượng trên 700 kg. Với giá trung bình hiện nay là 120.000 đồng/kg, gia đình thu nhập trên 80 triệu đồng. Sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng”.
Chính các mùa hoa tự nhiên trong rừng đã mang lại nét đặc trưng cho mật ong Mù Cang Chải. Đơn cử như: từ tháng 3 đến tháng 4 là mùa hoa thảo quả, hoa sơn tra cho mật có màu vàng cam; từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa hoa blong song cho mật có màu trắng sữa, lỏng, sánh và trong suốt… Vì thế, mật ong Mù Cang Chải còn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng minh cho danh tiếng, chất lượng và đặc tính mà chủ yếu của sản phẩm là do điều kiện địa lý mang lại.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn có sản phẩm mật ong đa hoa xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), mật ong xã Lương Thịnh (huyện Trấn Yên), mật ong hoa bưởi ở huyện Yên Bình… đều là những sản phẩm có chất lượng, bước đầu đã xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; được thị trường đón nhận và phản hồi tích cực. Một số sản phẩm còn xây dựng được nhãn mác, bao bì, có nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, nghề nuôi ong lấy mật đang được phát triển dựa trên thế mạnh vùng nguyên liệu của từng địa phương. Người dân ngày càng chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, quan tâm xây dựng thành công "thương hiệu” cho sản phẩm. Điều này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hoài Anh