Sớm rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho "vùng trũng", "lõi nghèo" của cả nước
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm nhưng trong quá trình phát triển của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém; tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả; đây là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn yếu, hạ tầng giao thông liên kết vùng còn thiếu; khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân chung của cả nước tiếp tục gia tăng...
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng và thực trạng phát triển nêu trên, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù trong phát triển vùng.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tinh, thành đã tập trung nêu những khó khăn, tồn tại trong triển khai thực hiện các chính sách hiện hành; đồng thời làm rõ sự cần thiết, đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành, đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể của các nhóm chính sách thuộc 4 ngành, lĩnh vực: Nhóm chính sách về phát triển đầu tư hạ tầng, trong đó tập trung hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, hạ tầng biên giới; Nhóm chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu, hạ tầng biên giới; Nhóm chính sách quản lý phát triển rừng, thủy điện, nguồn nước; Nhóm chính sách về an sinh xã hội.
Yên Bái đề xuất được vay lại vốn nước ngoài mức 5% đối với 10 tỉnh rất khó khăn
Tham gia phát biểu tại Hội nghị, tỉnh Yên Bái kiến nghị đề xuất giảm tỷ lệ vay lại vốn nước ngoài đối với nhóm 10 tỉnh có điều kiện rất khó khăn, trong đó có Yên Bái với mức 5% (ngân sách trung ương cấp phát 95%); được sử dụng vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát 100% cho các công trình đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung cho Vùng một số chính sách đặc thù: ban hành chính sách để hỗ trợ người dân trong vùng có điều kiện tiếp cận, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và sản xuất, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; có chính sách hỗ trợ để tạo động lực phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách mới; trong đó tập trung những chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của Vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra. Thứ trưởng cũng đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách…
Hùng Cường