Cùng Chủ tịch Hội nông dân (HND) xã Phúc Sơn Đinh Văn Làn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lường Văn Sáng ở thôn Bản Lanh - một trong những hộ đầu tiên của xã tham gia mô hình trồng mướp đắng lấy hạt. Tại thửa ruộng có diện tích hơn 600 m2, anh Sáng đang tất bật chăm sóc mướp đắng. Ngừng tay cuốc, anh chia sẻ: "Được cán bộ HND xã hướng dẫn chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao, gia đình tôi đã dành hơn nửa diện tích đất sản xuất nông nghiệp để trồng mướp đắng lấy hạt. Trồng giống này không vất vả so với trồng lúa nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ trong khâu chăm sóc và thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật của công ty liên kết, bao tiêu sản phẩm yêu cầu”.
Do diện tích chuyển đổi không nhiều, nhưng qua mỗi vụ, gia đình anh cũng thu về trên 24 triệu đồng, tiền lãi cao hơn nhiều so với trước khi chuyển đổi mô hình. Có đầu ra ổn định, anh Sáng dự định thời gian tới tiếp tục mở rộng diện tích canh tác. Cũng là hộ đi đầu trong chuyển đổi sản xuất, năm 2022, gia đình Anh Lường Văn Việt ở thôn Bản Lanh, xã Phúc Sơn đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế theo hướng mới ngay trên mảnh ruộng 1.000 m2. Thay vì gieo cấy lúa truyền thống, anh Việt chuyển sang trồng cây mướp đắng.
Anh Việt cho biết: "Khi được cán bộ HND xã đến tuyên truyền, vận động và tổ chức tham quan học hỏi về trồng cây mướp đắng lấy hạt ở các địa phương khác, tôi đã quyết tâm chuyển đổi hướng phát triển kinh tế mới. Hiệu quả mang lại cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây”. Khi tham gia mô hình, gia đình anh Việt còn được cung cấp hạt giống, ứng trước vật tư, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và được bao tiêu sản phẩm đầu ra... Với thời tiết thuận lợi, cây mướt đắng phát triển xanh tốt, cho ra hạt giống chất lượng cao nên ngay vụ đầu, gia đình anh Việt đã thu về hơn 40 triệu đồng…
Được biết, để giúp hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, thâm canh, tăng vụ, nhất là việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng cây mướp đắng lấy hạt, HND xã Phúc Sơn đã chủ động làm việc với Công ty Tân Lộc Phát, thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình này cũng như hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…
Chủ tịch HND xã Đinh Văn Làn cho biết: "Việc dễ nhất nhưng lại khó nhất đó là giúp hội viên, nông dân thay đổi tư duy canh tác. Chúng tôi cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương luôn mong muốn tìm ra được những cây, con cho năng suất cao hơn, dễ làm hơn, phù hợp với điều kiện thực tế để giúp nông dân tiếp cận và chuyển đổi hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Để hội viên, nông dân tham gia trồng cây mướp đắng lấy hạt, Hội cũng mất cả tháng từ tuyên truyền, vận động đến chia sẻ kinh nghiệm và đi thăm quan, ký kết liên kết với Công ty. Đặc biệt, khi mới bắt đầu thực hiện, người dân phải học theo chỉ dẫn của Công ty với quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch hạt…”.
Qua 3 vụ trồng cây mướp đắng lấy hạt, hơn 30 hộ dân trong xã đã tham gia mô hình đều có thu nhập cao hơn từ 6 - 7 lần so với gieo cấy lúa. Thời gian tới, HND xã Phúc Sơn tiếp tục vận động các hội viên, nông dân tham gia vào mô hình này.
Còn rất nhiều nông dân khác ở thị xã Nghĩa Lộ cũng đang cần mẫn, sáng tạo từ bàn tay, khối óc của mình để "bắt đất nhả vàng”, điển hình như nông dân Điêu Văn Vi ở thôn Đêu 4, xã Nghĩa An đã tự tìm hiểu qua đài, báo về hiệu quả của mô hình trồng bí lấy hạt. Thực tế cho thấy, cây bí phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giống cây khỏe, ít sâu bệnh và dễ chăm bón. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình, ông Vi đã mạnh dạn ký hợp đồng liên kết với một công ty ở phía Nam để cải tạo 500 m2 đất ruộng kém hiệu quả sang trồng bí xanh lấy hạt.
Ông Vi chia sẻ: "Nếu như trước đây, với diện tích 500 m2, gia đình tôi trồng ngô chỉ thu được 3 - 4 triệu đồng/ vụ. Nay đưa vào trồng bí lấy hạt, sau khi làm đất gieo giống, tôi chỉ mất 10 công thụ phấn. Sau 5 tháng thu hoạch khoảng 700 quả tương đương với 400 kg hạt khô với giá thu mua của công ty từ 340.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí, qua 2 vụ/năm, thu lãi hơn 24 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng lúa”.
Nhiều nông dân xã Phúc Sơn chuyển đổi cây trồng mang lại thu nhập cao. Trong ảnh: Với diện tích 1.700 m2 trồng bí lấy hạt, mỗi vụ gia đình nông dân Đinh Văn Tưởng ở thôn Bản Lanh, xã Phúc Sơn thu từ 45 -50 triệu đồng.
Còn tại xã Phù Nham, ông Trần Minh Loan ở thôn Pá Xổm đã đầu tư mô hình trồng hơn 300 cây vải chín sớm. Lúc chính vụ, mỗi ngày gia đình ông Loan thu hoạch từ 2 - 3 tạ quả. Mùa thu hoạch vừa qua, gia đình ông Loan phải thuê thêm nhân công để hái vải cho kịp số lượng thương lái đặt.
Anh Loan cho biết: "Vải PH40 thuộc nhóm giống quả to có nguồn gốc từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa quả thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc được gia đình tôi trồng từ năm 2017. Sau 6 năm, hơn 300 gốc vải của gia đình đã cho năng suất ổn định, năng suất trung bình đạt 8-10 tấn/ha, đem lại thu nhập cao, quá trình chăm sóc dễ dàng, phù hợp thổ nhưỡng. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chủ động sản xuất theo quy trình VietGAP để đưa giống vải này trở thành sản phẩm OCOP”.
Hay như mô hình trồng hoa của gia đình nông dân Nguyễn Bá Hải ở xã Nghĩa Lộ rộng hơn 3.000 m2. Ngoài việc quan tâm từ khâu làm đất, chọn cây giống, chăm sóc, đảm bảo các quy trình để cây ra hoa đều và đẹp, các loại hoa cũng luôn được gia đình ông chủ động trồng gối nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Ông Hải còn đặc biệt chú trọng khâu nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Hải cho biết: "Những năm gần đây, gia đình tôi chủ yếu tập trung trồng hoa cúc Kim Cương thay vì các loại cúc thông thường khác như trước đây. Cúc Kim Cương là loài hoa khó tính, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn, bởi nếu trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật hoa sẽ không đẹp, thậm chí cây sẽ bị chết. Mặc dù kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đòi hỏi cao và khắt khe hơn nhưng bù lại rất dễ bán và được giá, trung bình từ 2.000 - 3.500 đồng/bông, mùa cao điểm lễ tết giá loại hoa này có thể lên tới 5.000 đồng/bông”.
Cúc Kim Cương trồng 3 vụ/ năm so với một số cây trồng khác thì cho thu nhập cao hơn. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, giao thông thuận tiện, hàng năm từ trồng hoa đã mang lại thu nhập cho gia đình ông Hải từ 250 - 300 triệu đồng.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã và đang thực sự trở thành nòng cốt của Hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Việc nông dân mạnh dạn liên kết với các công ty để cung cấp sản phẩm chất lượng cao hay thay đổi cây, con giống theo hướng thị trường đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất hàng hóa ở vùng nông thôn. Song, kết quả cao nhất là mỗi năm có trên 5.150 số hộ hội viên nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi và có trên 3.500 số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp "bắt đất nhả vàng”.
Ngọc Sơn