Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 3:01:12 PM

Với đề xuất này của Bộ Công Thương, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá điện.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá điện có thể được điều chỉnh 4 lần/năm
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá điện có thể được điều chỉnh 4 lần/năm

Bộ Công Thương vừa có tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân gửi Chính phủ.

"Phù hợp với thực tế"

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn trước đây chưa được tính, như chênh lệch tỉ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hằng quý theo chi phí phát điện.

Theo quy định hiện hành, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều chỉnh giá không theo chu kỳ 6 tháng một lần. Năm 2019, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% nhưng đến tháng 5-2023 mới được điều chỉnh tăng lần tiếp theo, với mức 3%. 

Bộ Công Thương cho rằng thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kết quả rà soát của các cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Công Thương nhấn mạnh đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này bảo đảm chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng thời gian giữa các kỳ điều chỉnh giá chỉ là một yếu tố trong tổng thể phương án điều hành giá điện để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, vừa không ảnh hưởng quá lớn đến người dân sử dụng điện vừa bảo đảm được phương án tài chính của doanh nghiệp điện. Chuyên gia này nhìn nhận việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống còn 3 tháng sẽ góp phần bám sát các biến động về chi phí, trong đó có giá nhiên liệu.

Tăng cường công khai, minh bạch

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cũng nhất trí với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng. Bởi lẽ, việc này giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cũng như góp phần dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường. Tuy vậy, chuyên gia này nhấn mạnh cần phải công khai, minh bạch chi phí sản xuất - kinh doanh điện, làm cơ sở cho các lần điều chỉnh tăng giá.

Lý giải về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm cho thấy để giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, mức điều chỉnh thực tế có thể thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và so với kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. "Tuy nhiên, điều này dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi phát sinh" - ông Hòa nhận xét.

Do đó, việc rút ngắn chu kỳ tối thiểu điều chỉnh giá điện để bảo đảm chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Bên cạnh đó, việc này cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.

Cục trưởng Trần Việt Hòa nhấn mạnh đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực lưu ý dự thảo quyết định đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng còn 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Bởi lẽ, việc điều chỉnh giá điện còn tùy thuộc vào sự đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa. 
(Theo NLĐO)

Các tin khác
Xuất khẩu sầu riêng được kỳ vọng mang về 3 tỷ USD trong năm 2024

Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn.

540 hộ dân của 3 xã Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh sống dọc tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh đã tự nguyện hiến gần 82 ngàn mét vuông đất để làm đường.

Tân Lập là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Đây là địa phương cuối cùng huyện Lục Yên xác định về đích xã nông thôn mới (NTM).

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Yên Bái có mặt tại các siêu thị lớn tại Hà Nội.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp Yên Bái vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, thể hiện nổi bật ở nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh…

Nước sạch đến với đồng bào Mông ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Nước là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Đảm bảo an ninh nguồn nước, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, quan tâm công tác nước sạch trong trường học, chú trọng phân loại rác thải tại nguồn... là những giải pháp tỉnh Yên Bái đã thực hiện để bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục