Những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao kinh tế linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ hợp tác với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã, đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đây là cơ hội lớn để hàng hóa xuất khẩu của các DN nói chung và các DN tỉnh tiến sâu vào các thị trường rộng lớn. Có thể nói, tham gia FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN. Thứ nhất, FTA cung cấp cơ hội cho DN tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại. Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của DN gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động. Thứ hai, khi tận dụng FTA, DN có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, FTA cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi để DN đầu tư mở rộng. Tận dụng lợi thế từ các FTA, đến nay, hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, có khoảng trên 50 thị trường tương đối ổn định và tin cậy. Tận dụng FAT thế hệ mới, hiện tại, trên địa bàn tỉnh cũng có một số DN xuất khẩu sang thị trường CPTPP với các mặt hàng xuất khẩu: đá xẻ, đũa gỗ, măng tre; thị trường EVFTA với các mặt hàng xuất khẩu là đá Block. Năm 2023, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn đạt 355 triệu USD, tăng 1,4% so kế hoạch, tăng 19% so năm 2022.
Bên cạnh cơ hội FTA mang lại, cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh gay gắt từ các DN trong, ngoài nước. Khi tham gia FTA, DN phải tuân thủ các quy định kỹ thuật, chuẩn mức mới của quốc gia thành viên. Đặc biệt, khi tận dụng FTA, DN phải thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh doanh bao gồm: cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động.
Đơn cử, các mặt hàng nông lâm sản của tỉnh Yên Bái và đặc biệt là mặt hàng gỗ, nội tại sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Do đó, chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của thị trường, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm như thị trường EU, Nhật Bản và ngay cả thị trường dễ tính như Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân chính để tỉnh hầu như chưa có DN nào tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với tỉnh. Cùng đó, nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại như: chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ thay vì áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống. Vì vậy, để khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền, DN cần tập trung vào một số giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ các FTA đã ký kết; có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các dự án sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu, để kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, cần đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA đã ký kết một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để DN trên địa bàn nắm vững quy định cụ thể của các FTA liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình ở thị trường các nước đối tác FTA. Ở góc độ DN, cần đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và tiếp cận thị trường.
Đồng thời, tập trung vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. DN có thể tận dụng FTA bằng cách hợp tác, liên kết với đối tác trong, ngoài nước. Điều này, giúp chia sẻ nguồn lực, kỹ thuật, thị trường; đồng thời, tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô hoạt động.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, tận dụng FTA mang lại nhiều cơ hội cho DN mở rộng thị trường, tăng cường cạnh tranh và phát triển. Tuy nhiên, cần nhìn nhận và đối mặt với các thách thức từ sự cạnh tranh và thay đổi trong môi trường kinh doanh bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác, liên kết, đầu tư và nghiên cứu, phát triển. Cùng đó, đào tạo, phát triển nhân lực, DN có thể tận dụng triệt để FTA và đạt được sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên thương mại tự do.
Văn Thông