Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, cần nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Xin bà cho biết một số kết quả quan trọng của nền kinh tế trong quý I-2024?
- Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế quý I-2024 của nước ta vẫn duy trì tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng GDP đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng cao nhất của quý I từ năm 2020 đến nay. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì mức tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa quý I xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD).
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành như sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 21,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,2%... Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I-2024 là 73,9 nghìn đơn vị, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1%.
- Nguyên nhân của những hạn chế trên là gì, thưa bà?
- Theo tôi, thực trạng trên trước hết là do kinh tế thế giới quý I chưa khởi sắc. Thị trường trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi. Trong khi đó, các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi chất lượng nhưng phải xanh, phát triển bền vững nên quá trình đào thải của thị trường khắc nghiệt hơn.
- Với tình hình nêu trên, theo bà, cần có những giải pháp gì để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong những quý còn lại của năm?
- Theo tôi, mức tăng trưởng trong quý I đạt 5,66% là cao nhất của cùng kỳ các năm từ năm 2020 trở lại đây. Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 (năm 2024 tăng 6%) với quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%. Kịch bản 2 (năm 2024 tăng 6,5%) với quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.
Để đạt các mục tiêu đề ra, theo tôi, cần nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tạo thuận lợi thu hút, giải ngân vốn đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường thu hút FDI. Đồng thời, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới; thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch… Cùng với đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động hiệu quả mọi nguồn lực...
Trong đó, ở góc độ sản xuất, cần tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; xây dựng các kênh phân phối sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cần tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng...
- Việc đẩy mạnh đầu tư công có vai trò then chốt, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà đánh giá thế nào về vai trò của giải ngân vốn đầu công đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay?
- Tính chung quý I-2024, vốn đầu tư ngân sách nhà nước thực hiện đạt 13,9% kế hoạch vốn năm 2024, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thực tế cho thấy, vốn đầu tư công đóng vai trò chống suy thoái kinh tế, là "vốn mồi” tạo điểm tựa và kích thích nhiều nguồn vốn khác tham gia vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xác định nhiệm vụ, phấn đấu bảo đảm thực hiện và giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao trong năm 2024.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(Theo HNMO)