Tháng 3, khi những luống chè LDP, PH1 mới bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những hàng mắc ca xen chè ở thị trấn đã trổ những chùm hoa đỏ tía. Năm nay là năm thứ 2 gia đình bà Lê Thị Tuyết ở tổ dân phố 1 có thêm niềm vui, niềm hy vọng từ hơn 200 cây mắc ca trồng xen vào diện tích 1 ha chè đã được cải tạo bằng giống chè LDP2. Trước đây, diện tích chè này cho năng suất trên 20 tấn mỗi năm nhưng trừ chi phí thu nhập của gia đình bà cũng chỉ đạt trên 50 triệu đồng. Vì vậy, năm 2021, được chính quyền thị trấn vận động trồng mắc ca, gia đình bà đã mạnh dạn đăng ký trồng xen cho toàn bộ diện tích.
Đến nay, sau hơn 4 năm trồng chăm sóc, diện tích mắc ca đều sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho quả bói. Tuy chưa có thu nhập nhưng với việc tạo bóng mát và cảnh quan vườn đồi xanh mát, bà và mọi người dân rất phấn khởi tin tưởng vào triển vọng mà cây mắc ca đem lại. Bà Tuyết cho biết: "Tôi thấy cây mắc ca rất dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh, ít sâu, bệnh. Đặc biệt, khả năng chịu hạn rất tốt, cây xanh tốt quanh năm. Bà con mong được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và hy vọng cây sẽ sai hoa, đậu quả để có thêm thu nhập.
Cùng với gia đình bà Tuyết, 3 năm qua, được sự động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật của huyện Văn Chấn, gần 100 hộ dân ở thị trấn Nông trường Liên Sơn đã tham gia trồng trên 70 ha mắc ca xen chè. Là cây trồng mới, khi đưa vào trồng thử nghiệm nhiều hộ còn lo lắng về khả năng phát triển cũng như đầu ra cho sản phẩm. Nhưng khi được hướng dẫn trồng chăm sóc và chứng kiến khả năng thích nghi, tốc độ sinh trưởng của loài cây này, nhiều người đã tích cực tham gia.
Ông Trần Quang Chất - Tổ trưởng tổ dân phố 1 cho biết: "Ở tổ dân phố tôi, hộ nào cũng tham gia trồng mắc ca xen chè. Một số hộ đang luyến tiếc vì không tham gia dự án sớm nên giờ mới trồng được một phần diện tích. Nhìn chung, bà con rất phấn khởi vì cây mắc ca phát triển tốt, vừa tạo bóng mát, cảnh quan phục vụ sản xuất chè vừa có thêm thu nhập. Nếu cây sai hoa, đậu quả thì vài năm tới không chỉ trồng xen mà nhiều hộ đã có dự định dành đất để trồng thuần”.
Với 500 ha chè hầu hết đã được trồng mới và trồng cải tạo bằng các giống chè chất lượng cao, đến nay, năng suất chè bình quân của nhân dân thị trấn đạt gần 20 tấn/ha. Tuy nhiên, giá trị đem lại trên mỗi diện tích sau khi trừ chi phí cũng chỉ đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Với trên 70% dân số có thu nhập chính từ cây chè, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài việc thâm canh tăng năng suất thì việc trồng xen canh các cây trồng có giá trị là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Để thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích mắc ca xen chè, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân giao trách nhiệm cho cán bộ làm trước và hướng dẫn người dân thực hiện. Vì vậy, các diện tích mắc ca trồng đến đâu đều đạt tỷ lệ sống cao và sinh trưởng phát triển rất nhanh.
Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Với kết quả bước đầu, thị trấn đang có chủ trương mở rộng diện tích mắc ca xen chè. Trong các cuộc họp chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục tìm tòi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mở rộng diện tích mắc ca xen chè, tiến tới trồng thuần. Mặt khác, chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển và các loại sâu, bệnh hại của cây mắc ca, phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện, các nhà khoa học hướng dẫn nhân dân trồng mắc ca hiệu quả”.
Vẫn còn khá sớm để đánh giá hiệu quả của cây mắc ca trên đồng đất Văn Chấn nhưng với khả năng thích nghi, sinh trưởng nhanh và ra quả bói, cây mắc ca đã khẳng định là phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Thị trấn Nông trường Liên Sơn tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích mắc ca xen chè và trồng thuần, phấn đấu năm 2024 trồng thêm từ 10 - 15 ha và đến năm 2025, trên 50% diện tích chè được trồng xen cây mắc ca.
Trần Van (Trung tâm TT&VH huyện Văn Chấn)