Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh Lương đã đi đầu trong công tác vận động các hội viên tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây, con mới vào gieo trồng và chăn nuôi.
Bà Hoàng Thị Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: "Hội LHPN xã Thanh Lương hiện có hơn 700 hội viên. Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, thăm quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn và vùng lân cận. Nhờ đó, đến nay, đã có hơn 300 hội viên, phụ nữ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất canh tác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp ổn định cuộc sống”.
Điển hình như gia đình hội viên Hoàng Thị Thủy ở thôn Khinh đã đưa vào canh tác dưa hấu với diện tích 3.000 m2 đang chuẩn bị cho thu hoạch. Bà Thủy cho biết: "Chỉ tính năm 2023, gia đình tôi sau khi thu hoạch dưa hấu trừ mọi chi phí cũng thu về hàng chục triệu đồng, cao hơn gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, gia đình tôi đã mua được xe máy, xây nhà mới và sắm được nhiều vận dụng thiết yếu”.
Ông Đinh Công Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: "Xã Thanh Lương nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn, được thiên nhiên ưu ái cho địa hình bằng phẳng với tổng diện tích tự nhiên trên 300 ha; trong đó, đất nông nghiệp chiếm khoảng 170 ha. Nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trồng dưa lấy quả, nhiều nông dân trong xã đã giàu lên. Hiện, xã có hơn 20 hộ trồng dưa hấu, tập trung nhiều ở thôn Khá Hạ, Khá Thượng. Đây là cơ sở quan trọng để xã cán đích nông thôn mới”.
Ngoài ra, người dân nơi đây còn tích cực tham gia chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt xanh, dưa bao tử. Đây là mô hình không mới, song với nông dân xã Thanh Lương thì đem lại hiệu quả rất cao vì xã đã chủ động đứng ra tổ chức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện nay, nhiều hộ nông dân xã Thanh Lương đã bán ớt xanh, dưa bao tử theo đợt với hàng tấn quả, thu về hàng chục triệu đồng…
Cùng với chuyển đổi giống cây trồng linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, việc rà soát, chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đang dần được hình thành ở Thanh Lương.
Xã cũng đang tập trung phát huy lợi thế vào phát triển các mô hình chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi có quy mô gia trại. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi cho người dân; làm tốt việc rà soát, hướng dẫn các hộ được hưởng các chế độ, chính sách cần thiết khi xây dựng các mô hình chăn nuôi...
Đến nay, tổng đàn gia súc chính của xã có 1.040 con, bằng 100% kế hoạch giao; trong đó, đàn trâu 285 con, bò 110 con, lợn 645 con…; tổng đàn gia cầm 17.000 con, bằng 100% kế hoạch và không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ chăn nuôi đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc; thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm...
Có thể thấy, từ sau Đại hội Đảng bộ xã Thanh Lương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, đã có 18/18 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, điển hình nhất là chỉ tiêu thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 260 triệu đồng, hết năm 2023 đạt 268 triệu đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trần Ngọc