Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2024 đã bắt đầu và được dự báo tiếp tục có những khó khăn nhất định từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường là tác nhân cho sâu bệnh phá hại; thị trường khó khăn bởi hậu quả từ đại dịch Covid-19 vẫn còn, xung đột Nga - Ukraine và tại dải Gaza diễn biến phức tạp... Song, với quyết tâm cao độ của các cấp, ngành cùng những giải pháp bài bản, sự nỗ lực cao của nông dân và các doanh nghiệp sẽ hứa hẹn một vụ chè giành thắng lợi.
Theo dự báo của các chuyên gia ngành chè, biến đổi khí hậu và hạn hán tại các khu vực sản xuất chè lớn trên thế giới có thể dẫn đến giá chè tăng trong thời gian tới. Thị trường chè toàn cầu dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 5%/năm trong giai đoạn từ 2020 - 2025.
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với khoảng 123.400 ha diện tích và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm. Trong chế biến đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè được cơ giới hóa cao để bổ sung thay thế tại các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sản xuất chè Shan đã có nhiều thay đổi, nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới, phát huy được lợi thế của chè cổ thụ. Chè đen và chè xanh là 2 chủng loại xuất khẩu chính, chiếm 91,7% về số lượng và chiếm 90,2% về giá trị trong tổng xuất khẩu chè các loại. Chè đen xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường như: Nga, Iraq, Đài Loan, Pakistan. Chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Pakistan, chiếm 64,4% về lượng và chiếm 68% về trị giá. Thuận lợi trong xuất khẩu chè là rất lớn, song cũng có không ít khó khăn.
Ngoài việc chưa có sản phẩm chè chất lượng thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao, xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng.
Để sản xuất, kinh doanh chè phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị; thúc đẩy các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng; đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn có chứng nhận. Xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn, bởi những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU.
Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất, kinh doanh chè nói riêng luôn gặp những khó khăn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để tìm lời giải cho sản xuất, kinh doanh chè, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã mạnh dạn thay đổi phương thức từ truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè sạch, chè an toàn mang lại hiệu quả cao. Người dân Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình… tập trung cải tạo giống chè già cỗi bằng những giống chè lai, chè nhập nội không chỉ cho năng suất cao mà còn đáp ứng cho chế biến chè xanh nội tiêu và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, người làm chè sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè VietGAP. Các hộ sản xuất đều áp dụng theo quy trình VietGAP và có 3 hộ sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg; chè VietGAP từ 150.000 - 200.000 đồng/kg mang lại hiệu quả cao.
Nói về sản xuất kinh doanh chè, ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho hay: "Cây chè vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho bà con nếu các hộ tích cực quan tâm đầu tư chăm sóc, thâm canh”.
Tích cực đầu tư, chăm sóc, thu hái đúng quy trình, bài bản, cây chè không chỉ là cây xóa đói nghèo mà còn làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hộ ông Vàng A Giao ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn với diện tích 2,4 ha chè Shan tuyết cổ thụ (khoảng 1.000 - 1.200 cây), nhờ đầu tư chăn sóc, thu hái đúng kỹ thuật, năng suất đạt 1,5 tấn búp tươi/ha/năm, một phần gia đình để chế biến chè khô đạt từ 4 - 5 tạ/năm (giá bán chè khô 300.000 - 800.000 đồng/kg), còn lại bán chè búp tươi với giá 25.000 đồng/kg. Với cách làm đó, gia đình ông Giao thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm từ chè.
Hay như hộ ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ có 4.500 m2 chè trồng bằng giống chè lai LDP2 cho sản lượng 13.025 kg chè búp tươi. Trong đó, búp loại B đạt 1.125 kg, búp loại đạt C 9.073 kg, búp loại D 2.827 kg, giá trị chè búp tươi đạt 41,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì giá trị thu nhập đạt 25 triệu đồng (tương ứng với 55,5 triệu đồng/ha).
Thị trường rộng mở, doanh nghiệp, nông dân cùng hợp sức vào cuộc, nhất là mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè sạch, chè an toàn, chắc chắn mang lại hiệu quả cao và sẽ có thêm một vụ chè bội thu.
Ngọc Trúc