Thời kỳ hưng thịnh nhất ở vùng cây ăn quả có múi (chủ yếu là cam) thuộc các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn có diện tích trên 2.000 ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, lại có hàng chục ngôi nhà mới mọc lên, ô tô, xe máy theo đó cũng nhiều thêm và biết bao con em người dân vốn lam lũ nơi ruộng đồng đã được học hành, đỗ đạt cao.
Vùng thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Tân Thịnh cứ bước chân ra ngõ là gặp triệu phú và đã hình thành cả làng triệu phú giầu có từ trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, vùng cây ăn quả có múi ở 8 xã vùng ngoài bắt đầu suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng và sản lượng, người trồng cây đứng ngồi không yên. Theo thống kê, đến hết tháng 3/2024, toàn huyện còn 1.600 ha cây ăn quả, trong đó có 1.300 ha cam, quýt, 150 ha bưởi, 150 ha chanh, sản lượng đạt trên 11.000 tấn.
Về chủng loại, giống cam chủ yếu là cam Đường Canh, CT36, CS1, cam V2, cam sành, cam Vinh..; giống bưởi da xanh, bưởi Diễn và chanh tứ mùa… Diện tích cây ăn quả chủ yếu trồng trên đất đồi thấp và đất bãi.
Văn Chấn từng là địa phương đi đầu trong việc trồng và phát triển vùng cây ăn quả tập trung lớn tại các xã: Minh An, Thượng Bằng La, Bình Thuận, Nghĩa Tâm, Cát Thịnh… Không chỉ trồng mà các địa phương còn hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả có múi. Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn quả chủ yếu dựa vào thế đất của mỗi hộ gia đình và trồng theo kinh nghiệm truyền thống, có không ít diện tích trồng theo phong trào, tự phát… Từ đó dẫn đến mức độ tập trung không cao, quá trình canh tác chưa tuân thủ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra chưa ổn định, người nông dân sản xuất phụ thuộc phần lớn vào các thương lái, làm ra sản phẩm nhưng lại không có quyền định giá sản phẩm của mình.
Nguy hiểm hơn, thiệt hại lớn hơn là từ năm 2016 trên một số diện tích cam của các hộ dân thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An, Thượng Bằng La xuất hiện bệnh vàng lá thối rễ. Đến năm 2018, bệnh phát triển ngày một mạnh hơn, nhiều diện tích cam đã phải chặt bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay đã có gần 1.000 ha cam, quýt nhiễm bệnh gây chết cây và một số diện tích không có khả năng thu hoạch.
Khi cây cam, quýt xuất hiện sâu bệnh, huyện Văn Chấn và ngành nông nghiệp cũng có không ít đề tài nghiên cứu nguyên nhân và biện pháp phòng trừ nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Diện tích cam, quýt mắc bệnh vẫn xảy ra và mỗi năm hàng trăm héc-ta vẫn bị chặt bỏ gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho người nông dân nơi đây. Để bám lấy nghề, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư mua giống trồng lại trên diện tích cam bị chết bằng giống cam CS1, cam Đường Canh, cam Vinh… Tuy nhiên, giống chủ yếu mua của các nhà vườn ở Hưng Yên, Hà Nội nguồn gốc không rõ ràng, sau trồng 2 - 3 năm vẫn xảy ra tình trạng bị bệnh rồi chết. Chỉ duy nhất có diện tích trồng mới của Hợp tác xã trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận với 70 ha cam Đường canh sản xuất theo quy trình VietGAP thì cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn. Một số diện tích nhân dân các xã chủ động chuyển đổi sang trồng hồng xiêm, na, xoài…
Trước thực trạng đó, ngay trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2024, các ban, ngành của tỉnh và huyện Văn Chấn đã vào cuộc giải cứu vùng cam bằng những cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; hỗ trợ trồng mới, trồng cải tạo lại diện tích cam có chất lượng với quy mô phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Đồng chí Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Việc đẩy mạnh đầu tư theo hướng phát triển bền vững, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng vùng của huyện, hình thành mô hình tiêu biểu, có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển nhân rộng; thu hút nguồn lực đầu tư trong nhân dân để hình thành vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao”.
Diện tích
trồng mới, trồng cải tạo năm 2024 này là 100 ha trên địa bàn các xã: Tân Thịnh, Đại Lịch, Bình Thuận, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú. Hỗ trợ cho các hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác tham gia trồng mới, trồng cải tạo lại cây cam với diện tích từ 0,5 ha/hộ trở lên; mức hỗ trợ 30.000 đồng/1 cây giống; mật độ trồng cam đạt 525 cây/ha (bao gồm 5% cây trồng dặm) tương đương với khoảng cách cây cách cây 4 m, hàng cách hàng 5 m. Hỗ trợ giống cây ghép có đường kính gốc từ 1,2 - 1,5 cm, chiều cao trung bình từ 1 - 1,2 m trở lên, có 2 - 3 cành cấp một.
Giống đảm bảo sạch bệnh, có nguồn gốc và lý lịch rõ ràng, cơ sở sản xuất và cung ứng giống được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ưu tiên sử dụng giống phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu đã được chứng minh qua sản xuất như giống cam V2, CS1, cam Đường Canh... Tổng vốn đầu tư từ giống, phân bón, công… là trên 11 tỷ đồng.
Chủ trương, giải pháp cải tạo vùng cây ăn quả có múi là rất phù hợp, cần có sự vào cuộc tích cực của người dân trong quá trình triển khai sản xuất, cũng như cùng các cấp giám sát trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ xây dựng và phục hồi lại vùng cây ăn quả có múi chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Thanh Phúc