Văn Chấn là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Yên Bái, có diện tích tự nhiên 112.910 ha, diện tích có rừng 66.421 ha (42.091 ha rừng tự nhiên; 24.330 ha rừng trồng), phân bố trên địa bàn 24 xã, thị trấn (15 xã khu vực III - đặc biệt khó khăn). Diện tích rừng rộng lớn, công tác QLBV rừng gặp không ít khó khăn.
Không chỉ vậy, mà Văn Chấn còn là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh. Hiện, trên địa bàn huyện có 22.350 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao gồm: rừng trồng loài cây tre luồng, thông, cao su; đặc biệt rừng mới trồng các loài cây bồ đề, keo, quế và rừng tự nhiên nghèo kiệt, hỗn giao gỗ, tre, nứa.
Các xã có nhiều diện tích rừng dễ cháy gồm 14 xã: Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Sơn Lương, Nậm Búng, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Nghĩa Sơn. Trước thực trạng, khó khăn đó, huyện Văn Chấn, nhất là lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các xã, địa phương đưa ra những giải pháp, biện pháp giữ rừng và PTR một cách hiệu quả, bền vững.
Các kiểm lâm viên tích cực vượt đèo, lội suối đến từng thôn, hộ để tuyên truyền, vận động nhân dân QLBV rừng và PTR. Thường xuyên có những buổi làm việc với cấp xã để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện tại 24/24 xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình công tác cụ thể hằng tháng và duy trì họp giao ban hằng quý để tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thường kỳ, đột xuất theo quy định. Bên cạnh đó, phải nói đến sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cấp xã, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và việc phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên.
Nhờ vậy, nhận thức về QLBV rừng, PTR của nhân dân dần được nâng cao và tích cực đầu tư trồng, chăm sóc và BVR, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng. Phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái - đơn vị tư vấn tổ chức các lớp tập huấn với nội dung bồi dưỡng kiến thức về quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng FSC cho cán bộ, người dân, các chủ rừng tại 8 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện… Giao khoán bảo vệ 34.817,09 ha rừng (diện tích được hưởng dịch vụ môi trường rừng là 23.246,89 ha (rừng tự nhiên phòng hộ 9.672,87 ha; rừng trồng phòng hộ 45,8 ha; rừng tự nhiên sản xuất 12.959,71 ha; rừng trồng sản xuất 568,51 ha). Diện tích ngoài dịch vụ môi trường rừng 11.570,2 ha (rừng tự nhiên phòng hộ là 4.540,7 ha; rừng tự nhiên sản xuất 7.029,5 ha).
Cùng đó, huyện đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, giữ rừng tại gốc. Công tác PCCCR được triển khai hiệu quả. Huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng rà soát bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch BVR và PCCCR; kiện toàn ban chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững từ huyện đến các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng với 28 ban chỉ đạo; duy trì 213 tổ, đội xung kích PCCCR gồm 2.264 người do trưởng thôn làm tổ trưởng sẵn sàng ứng phó, cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".
Hạt Kiểm lâm phối với UBND cấp xã tổ chức họp tuyên truyền và ký cam kết BVR, PCCCR đến 213 thôn, tổ dân phố, 24 xã, thị trấn tới 27.261/29.663 hộ, đạt tỷ lệ 91,9%. Trong những ngày nguy cơ cháy rừng ở cấp cao (cấp IV, cấp V), bố trí trực 24/24 giờ và cảnh báo những người ra vào rừng, cấm sử dụng lửa trong rừng, gần rừng; thường xuyên theo dõi và thông tin kịp thời cấp dự báo cháy rừng để cảnh báo đến người dân.
Cùng với công tác BVR, việc phát triển vốn rừng luôn được chú trọng. Trong năm 2023, toàn huyện trồng mới được trên 3.214 ha rừng; 4 tháng đầu năm 2024, nhân dân, các công ty lâm nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội đã trồng 2.370,2 ha (Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao trồng 56,8 ha keo; trồng rừng theo đề án tre măng Bát độ 93 ha; người dân tự bỏ vốn trồng được 2.220,4 ha).
Rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn, các cánh rừng đã và đang dần xanh trở lại và quan trọng hơn cả là nhận thức về rừng của nhân dân đã được nâng cao; công tác QLBV rừng của các xã, thị trấn, các chủ rừng dần đi vào nề nếp... Đó là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách hiệu quả, bền vững.
Năm 2023, đã phát hiện và xử lý 29 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; lâm sản vi phạm 13,571 m3 gồm: gỗ xẻ nhóm II - VIII là 4,684 m3; gỗ tròn nhóm V - VIII là 8,887 m3; diện tích rừng bị phát phá, lấn chiếm 0,692 ha; Xử phạt vi phạm hành chính: 139,75 triệu đồng.
|
Ngọc Trúc