Đến nay, các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp đều phát huy hiệu quả, mở rộng cả về quy mô, diện tích sản xuất, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thu nhập ổn định cho nông dân cũng như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thực hiện Nghị quyết 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, trong 3 năm từ 2021 đến 2023, huyện Trấn Yên đã thực hiện 9/16 nội dung chính sách với tổng số 25 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: măng tre Bát độ, dâu tằm, quế hữu cơ, chè chất lượng cao; thực hiện triển khai 1 dự án mô hình mới; hỗ trợ 204 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa đặc sản, hữu cơ; 1 tổ hợp tác thực hiện chăn nuôi trâu, bò liên kết sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ 19,667 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như: vùng trồng Tre Bát độ đạt trên 4.200 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 33 nghìn tấn/năm, giá trị trên 200 tỷ đồng; vùng trồng dâu, nuôi tằm trên 900 ha, sản lượng kén đạt 1.400 tấn, giá trị gần 300 tỷ đồng; vùng quế đạt trên 20.000 ha; trong đó, có 12.000 ha quế hữu cơ; vùng chè chất lượng cao 200 ha, trên 700 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; nuôi trồng thủy sản 490 ha...
Ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: các chính sách hộ trợ rất phù hợp, được người dân hồ hởi tham gia. Mặc dù sự hỗ trợ so với tỷ lệ đầu tư của người dân là rất nhỏ, nhưng xác định đây là vốn mồi nên huyện lựa chọn đúng sản phẩm hỗ trợ, lựa chọn đối tượng triển khai; do đó, đã phát huy hiệu quả đối với phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đã góp phần thu hút và tạo động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp cho việc phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện phát triển bền vững, nhân dân yên tâm trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Còn tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, các chính sách hỗ trợ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, huyện đã tiến hành hỗ trợ cho tổng số 518 cơ sở đăng ký phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ; 3 dự án liên kết trồng mới tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới và 10 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò hoặc trâu bò liên kết sản xuất có quy mô từ 20 con trở lên theo tổ hợp tác, hợp tác xã.
Ngoài ra, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã hỗ trợ 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế nông thôn của huyện có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Qua đánh giá, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 do HĐND tỉnh ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa, chuyển biến trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện một cách khẩn trương, sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.
Các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đều cơ bản được triển khai thực hiện đảm bảo về nội dung, quy mô đề ra, hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được duy trì, điển hình là các dự án chuỗi dâu tằm, chuỗi sản xuất măng tre Bát độ, chuỗi dược liệu, chuỗi chăn nuôi. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất một cách ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ được người dân hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người dân...
Trong 3 năm từ 2021 đến 2023, toàn tỉnh đã giải ngân 117,275 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch vốn giao theo các chính sách sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh.
Cụ thể, các địa phương đã triển khai được 44 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ thực hiện 03 dự án, mô hình mới; hỗ trợ 3.253 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; hỗ trợ 72 hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia phát triển trâu, bò với 1.851 con; trồng mới 2.054 ha rừng nguyên liệu theo hướng bền vững...
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng triển khai 14 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 175 dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh chỉ đạo các các địa phương tiếp tục rà soát lại các mô hình, dự án đang được triển khai để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong trong quá trình triển khai thực hiện; tiến hành phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị nhất là cấp cơ sở để đồng hành, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân trong việc lựa chọn các phương án, dự án, mô hình phát triển sản xuất.
Tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực, có thị trường xuất khẩu nông sản tham gia liên doanh, liên kết đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh; tiếp tục phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm hàng hóa được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng được thương hiệu và tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường...
Hùng Cường