Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại vùng chè Shan tuyết Phình Hồ, huyện Trạm Tấu. Trải qua hàng trăm năm sinh tồn và phát triển, những cây chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây có thân thẳng, cao, lá to, dày, xanh ngắt, tạo nên hương vị đặc trưng riêng.
Nếu như trước đây, người dân Phình Hồ chỉ thu hái chè Shan tuyết một cách tự nhiên, thiếu sự chăm sóc, kỹ thuật, ảnh hưởng đến giá trị, năng suất thì nay nhờ tham gia, liên kết với HTX, mọi chuyện đã thay đổi. Anh Sùng A Thắng, thôn Tà Chử, xã Phình Hồ chia sẻ: "Nhà tôi có khoảng 1,5 ha chè Shan tuyết; trong đó, có 0,7 ha chè cổ thụ. Từ khi tham gia vào HTX, gia đình chúng tôi đã được hướng dẫn thu hái chè theo đúng kỹ thuật, không còn hái xô như ngày trước; đồng thời, thường xuyên cắt tỉa cành lá, chăm sóc để cho cây chè cho năng suất cao hơn. Vui mừng nữa là giá chè được HTX thu mua cao hơn gấp đôi so với trước đây nên bà con rất phấn khởi”.
Theo anh
Đỗ Tuấn Lương - Giám đốc HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ, thành viên của HTX chủ yếu là các nông hộ sở hữu vườn chè Shan tuyết cổ thụ và các cá nhân làm kinh tế tại địa phương. Khi anh đặt chân lên mảnh đất Phình Hồ thì ngoài mây, núi và cây chè ra thì bà con nơi đây đang rất khó khăn với điều kiện và cơ sở vật chất nghèo nàn. Cùng với đó, trình độ nhận thức cũng như kiến thức của người dân về chăm sóc, thu hái chè còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để HTX có thể đào tạo và trang bị kiến thức cho các hộ thành viên dễ dàng hơn. Xác định những khó khăn đó, để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương cũng như giá trị chè Shan tuyết Phình Hồ, HTX đã lựa chọn các hộ dân thành viên để đào tạo, hướng dẫn cách chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, thu hái theo từng loại chè...
Anh Đỗ Tuấn Lương cho biết thêm: "Ban đầu, chúng tôi lựa chọn 20 hộ đề đào tạo, hướng dẫn, sau đó họ lại hướng dẫn, tuyên truyền nhau nên giờ đây nhận thức của ngươi dân về sản xuất chè đã thay đổi. Hiệu quả là họ bán chè với giá cao hơn gấp đôi thị trường, năng suất cây chè cũng được nâng lên do cách chăm sóc và thu hái đúng cách”.
HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ được thành lập vào cuối năm 2023 với 7 thành viên đăng ký và 35 hộ nông dân. Hiện, HTX đã xây dựng được 8 sản phẩm trà với các loại có giá trị cao như: Bạch trà, Hồng trà, Lục trà... Theo ông Sùng A Rua - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ, 90% dân số xã là đồng bào người dân tộc Mông. Kinh tế nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và khai thác cây chè shan tuyết cổ thụ. Chính vì vậy, khi HTX đi vào hoạt động đã tạo nên những thay đổi lớn trong suy nghĩ và cách làm chè của nhân dân. Họ đã biết liên kết với HTX để bán nguyên liệu với giá cao hơn thị trường; đồng thời, biết chăm sóc để nâng cao năng suất cây chè. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Rời Phình Hồ, chúng tôi đến thăm HTX trồng dược liệu trên đèo Lũng Lô huyền thoại thuộc xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Nằm dưới chân những tán rừng tự nhiên, với khí hậu thoáng mát, trong lành, các vườn, luống hà thủ ô, bạch chỉ, đương quy vươn lên phát triển tươi tốt, xanh ngắt.
Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô thông tin: "Được thành lập từ cuối năm 2018 gồm 12 thành viên với ngành nghề chính là sản xuất, sơ chế dược liệu và du lịch, đến nay, HTX Lũng Lô liên kết sản xuất với 20 hộ dân và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Tất cả dược liệu sau thu hoạch, sơ chế được bao tiêu đi một số công ty dược liệu trong và ngoài tỉnh”.
Theo tìm hiểu, hiện tổng diện tích dược liệu của HTX vào khoảng 10 ha; trong đó, có nhiều diện tích của các hộ thành viên. Họ vừa tham gia góp đất, vừa tham gia lao động hưởng lương hằng tháng; đồng thời, được hưởng lợi tức từ lợi nhuận hằng năm của HTX.
Chị Hoàng Thị Hợi, thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La cho biết: "Những diện tích này trước đây chúng tôi chủ yếu trồng ngô, cây màu nhưng hiệu quả không cao; tuy nhiên, từ khi tham gia liên kết với HTX, thu nhập của chúng tôi đã được cải thiện. Chúng tôi cùng tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc cây dược liệu và nhận lương hằng tháng. Ngoài ra, thông qua HTX, diện tích canh tác kém hiệu quả được phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân chúng tôi”.
Cùng với tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã không ngừng đổi mới kỹ thuật, kiên trì xây dựng vùng nguyên liệu sạch; đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nhờ đó, các mặt hàng, sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao với mẫu mã bắt mắt, chất lượng bảo đảm; trong đó, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường "khó tính” như: Mỹ, châu Âu...
Thành viên, người lao động Hợp tác xã Lũng Lô, huyện Văn Chấn thu hoạch củ hà thủ ô.
Bà
Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Chúng tôi đã ký cam kết với các hộ dân trong xã để tiến hành bao tiêu, thu mua chè búp tươi cho bà con với giá thành ổn định và quy hoạch vùng nguyên liệu lâu dài. Việc sản xuất, đóng gói các sản phẩm chè cũng được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên chất lượng các sản phẩm chè được nâng cao, người thưởng trà trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Cuối năm 2023, sản phẩm Diệp trà Shan tuyết và Hồng trà Shan tuyết của HTX vinh dự là 2 trong số 10 sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái vừa được xuất khẩu sang thị trường nước Anh. Các sản phẩm này đều bảo đảm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn châu Âu”.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 738 HTX; trong đó, 425 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 57,6% tổng số HTX toàn tỉnh, với tổng vốn điều lệ 753,7 tỷ đồng và 7.126 thành viên. Để tạo điều kiện cho các HTX; trong đó, có HTX nông nghiệp phát triển, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ thành lập mới HTX; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX; hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh...
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Những năm qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 141/150 xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 - tiêu chí về tổ chức sản xuất (xã có ít nhất 01 HTX hoạt động hiệu quả), đạt 94% tổng số xã. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong việc huy động nguồn lao động, đất sản xuất nông nghiệp sẵn có ở địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm; đồng thời, tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chỉ số hạnh phúc thời gian qua”.
Những đổi mới trong phát triển HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát huy vai trò chủ thể của nông dân, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến cho xuất khẩu, góp phần tích cực vào gia tăng thu nhập, giảm nghèo và cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn... Đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp đã thực sự là giải pháp quan trọng để phát triển mạnh mẽ, bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hùng Cường
Bài 2: Vì sao hợp tác xã nông nghiệp chưa đủ mạnh?