Văn Chấn đầu tư xây dựng mới 85 công trình cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2024 | 2:50:48 PM

YênBái - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Văn Chấn đã đầu tư xây dựng mới 85 công trình cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cầu, công trình nước sạch, thuỷ lợi, trường học… ) với tổng kinh phí trên 167 tỷ đồng.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn trao hỗ trợ công cụ sản xuất cho hộ nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn trao hỗ trợ công cụ sản xuất cho hộ nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Văn Chấn đã xây dựng Đề án tổng thể, đồng thời xác định cụ thể các nhiệm vụ, phần việc cần thực hiện trong giai đoạn và từng năm gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả, trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện đã hỗ trợ làm mới 195 nhà, tổng kinh phí 9 tỷ 750 triệu đồng; hỗ trợ mua sắm 267 máy móc nông cụ phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho 280 hộ gia đình với kinh phí 267 triệu đồng; mua 1.463 bồn Inox chứa nước cho 1.463 hộ nghèo, kinh phí 4,3 tỷ đồng; thực hiện chi trả khoán bảo vệ rừng cho người dân các xã đặc biệt khó khăn với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng, đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5% trở lên. 

Cùng đó, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế đã hỗ trợ mua 402 con trâu, bò cho 402 hộ nghèo tại 10 xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 9,1 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới 85 công trình cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cầu, công trình nước sạch, thuỷ lợi, trường học…) với tổng kinh phí trên 167 tỷ đồng; duy tu, bảo dưỡng 37 công trình nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch với kinh phí 5,7 tỷ đồng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Huyện cũng quan tâm củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học. 

Trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã đầu tư hỗ trợ 15 trường mua đồ dùng, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nuôi dưỡng học sinh bán trú với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng với kinh phí 563 triệu đồng; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho 15 xã vùng đồng bào DTTS và 2 thôn  đặc biệt khó khăn của thị trấn Sơn Thịnh với tổng kinh phí đã thực hiện trên 1,7 tỷ đồng.  

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sinh kế, huyện tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào DTTS và nhân dân.

Thông qua các chính sách hỗ trợ từ Chương trình, đời sống vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để các DTTS có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giữ vững an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội. 

Mạnh Cường

Tags Văn Chấn Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số An Lương Suối Quyền

Các tin khác
Người dân xã Vũ Linh trồng rừng vụ xuân.

Với mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54%, giúp người dân sống và phát triển bằng kinh tế rừng, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR) gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên giải ngân vốn vay tín dụng chính sách tại cơ sở.

Huyện Trấn Yên có 76 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đang phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý 268 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 9.860 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Số vốn giải ngân trong 10 năm đạt 1.072 tỷ 239 triệu đồng.

Lãnh đạo huyện Văn Yên giới thiệu với các đoàn khách trong và ngoài nước về giống quế của huyện.

Phát triển HTX nông nghiệp có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên giới thiệu mô hình nuôi tằm của địa phương với đối tác tham quan.

Trồng dâu nuôi tằm đang là trọng điểm phát triển kinh tế của huyện Trấn Yên. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn huyện đã trồng mới được gần 90 ha dâu, nâng tổng diện tích lên suýt soát 1.000ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục